Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, TLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.848,7 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu doanh thu, mảng lương thực - lúa, gạo đóng góp tới 85% tổng doanh thu, tương ứng 3.286 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ; bù đắp cho doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 40% xuống 371 tỷ đồng.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng mạnh 65%, kéo lãi gộp LTG giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp co hẹp từ mức 11% cùng kỳ xuống 6%.
Điểm trừ nữa là chi phí tài chính kỳ này tăng 28% lên gần 289 tỷ đồng, phần lớn do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái, thậm chí mức tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác.
Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý vừa qua, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản LTG tăng 4% so với đầu năm lên 11.912,5 tỷ đồng. Trữ tiền ở mức 226 tỷ đồng, giảm sâu 63% so với đầu năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp có hơn 6.472 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm tới 54,3% tài sản của LTG.
Tính tới 30/3/2024, LTG có 826,3 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong đó, LTG phải dự phòng tới hơn một nửa là 490 tỷ đồng dự phòng khó đòi. Nợ khả năng thu hồi thấp là 384,1 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm là 293,7 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm là 125,3 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm 13,7 tỷ đồng, quá hạn từ 3 năm trở lên gần 9,5 tỷ đồng...
Vốn chủ sở hữu của LTG tại thời điểm cuối tháng 3/2024 đạt 2.974 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Vốn điều lệ ở mức 1.007,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước góp hơn 243,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 24,15% vốn điều lệ LTG).
Trước đó, 2023 cũng là năm "bết bát" đối với LTG khi lãi ròng gần 17 tỷ đồng sau kiểm toán, “bốc hơi” 94% so với số lãi 265 tỷ đồng trên BCTC tự lập và giảm 96% so với thực hiện năm 2022.
Nợ tiền lúa của nông dân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, trong vụ Đông Xuân 2023-2024 diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, là 31.298 ha, với 27 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với 25 Hợp tác xã (HTX), 2 Liên hiệp HTX và các tổ, nhóm nông dân.
Trong đó, phần lớn diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ với TLG. Vụ Đông Xuân 2023-2024, TLG đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.070 ha. Đến nay, TLG đã thực hiện thu mua 10.501 ha.
Ngày 11/4/2024, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp với TLG về tình hình liên kết tiêu thụ lúa trong vụ Đông Xuân 2023-2024.
Phía doanh nghiệp này cho biết, tổng số tiền mua lúa mà Tập đoàn chưa thanh toán cho nông dân tại An Giang là hơn 245,618 tỷ đồng (của 928 nông dân), thời gian nợ lâu nhất là 30 ngày, tập trung trên địa bàn các huyện: Châu Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Thoại Sơn và Châu Thành.
Nguyên nhân do lượng lúa thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn trong thu xếp dòng tiền từ vay vốn của các ngân hàng để thanh toán cho nông dân chưa kịp thời. LTG tham gia xuất khẩu với số lượng lớn, tuy nhiên tiền thanh toán của khách hàng quốc tế trả chậm dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho người dân không đúng theo hợp đồng…
Đại diện của doanh nghiệp này đã cam kết thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán tiền mua lúa. Cam kết hỗ trợ lãi suất 0.6%/tháng (7.2%/năm) cho việc trễ hạn từ ngày thứ 6 trở đi (tính từ ngày cân lúa); cung cấp thuốc, phân, giống cho nợ đến cuối vụ để nông dân kịp thời tổ chức lại sản xuất đúng theo lịch mùa vụ Hè Thu 2024. Khẩn trương chi trả như cam kết và trả dứt điểm toàn bộ số tiền còn nợ nông dân chậm nhất đến ngày 26/4/2024…
Tuy nhiên đến ngày 24/4/2024, tình hình LTG có khả năng không hoàn thành được các nội dung như cam kết. Do đó, Sở NN&PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp cùng đại diện của LTG (lần 2).
Tại cuộc họp, đại diện LTG cho biết, từ ngày 11/4/2024 đến ngày 24/4/2024, Tập đoàn tiếp tục thanh toán một phần tiền mua lúa cho nông dân được 56,835 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 24/4/2024, LTG đã thanh toán được 235,192 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa thanh toán cho nông dân là 204,697 tỷ đồng (bao gồm 15,912 tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân sau ngày 11/4/2024).
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, doanh nghiệp chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng để thanh toán cho nông dân như cam kết; tham gia xuất khẩu với số lượng lớn, tuy nhiên tiền thanh toán của khách hàng quốc tế trả chậm dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho người dân chậm trễ.
Trước tình hình trên, ngoài các cam kết trước đây vào ngày 11/4/2024, đại diện LTG cam kết tiếp tục khẩn trương làm việc với các ngân hàng, đối tác để có dòng tiền chi trả tiền mua lúa cho nông dân.
Tập đoàn Lộc Trời cam kết chi trả lãi suất 0.8%/tháng (9.6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4/2024 trở về sau. Thời gian cam kết chi trả: mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5/2024.
Hồng Vũ
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tap-doan-loc-troi-cua-chu-tich-huynh-van-thon-kinh-doanh-bet-bat-ra-sao-a13118.html