Tìm sản phẩm đặc trưng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Đề án “Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là OCOP), với mục tiêu xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, bảo đảm đồng bộ. Các thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Bình được thương mại hóa trên toàn quốc.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm từ 3 sao trở lên; 150 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 20 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên; 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Để tăng cường quảng bá cũng như tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã quan tâm mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hiện toàn địa phương có 155 sản phẩm OCOP còn thời hạn công nhận. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 136 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP này của 57 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp và 24 hộ kinh doanh cá thể.
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiếp tục được các cơ quan liên quan đẩy mạnh. Từ năm 2023 đến nay, đã tổ chức 6 lượt tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong nước. Cùng với đó, việc mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng được các cơ quan và địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay có những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và sản phẩm trong chương trình OCOP nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm trong chương trình OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế cũng vô cùng quan trọng; xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ở thị trường quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình OCOP; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương đã nhanh chóng tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu. Các chương trình này, đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm OCOP kết nối cùng du lịch cộng đồng
Trên cơ sở phân tích, đánh giá cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển. Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, đây là lợi thế rất lớn giúp các doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp. Doanh nghiệp nếu chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào sự thành công của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ chương trình OCOP một cách bền vững.
Để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mà trước mắt là thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống, hiện đại nhằm tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, Quảng Bình đã tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm trong chương trình OCOP. Tiếp đó là các hoạt động kết nối những sản phẩm trong chương trình này vào các điểm bán tại địa phương.
Thông qua, các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, nhiều địa phương đã tích cực khai thác tiềm năng của các sàn thương mại điện tử nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Hướng tới việc kết nối xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, từng bước chuyển đổi số thông qua các nền tảng số, giúp tăng hiệu quả quản lý quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, gắn với thương mại điện tử.
Hiện nay, Quảng Bình đánh giá rất cao hiệu quả của việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của địa phương được nhanh chóng đưa lên các sàn Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Vỏ Sò (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), Sen Đỏ (Tập đoàn FPT)…
Theo ông Phan Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, cùng với chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước. Từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước; nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
“Các DN tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để kí kết biên bản ghi nhớ tiến tới kí kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Tìm ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm ra phương án tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu quốc tế”, ông Nam nêu phương hướng.
Còn bà Đinh Thanh Loan - Phó Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam chia sẻ, ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, du khách cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và ngành du lịch.
"Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay. Du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hòa mình để cùng phát triển. Nhưng các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa.
Thời gian qua, để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, các gian hàng kết nối giữa du lịch và mặt hàng OCOP được Quảng Bình thực hiện khá hiệu quả được mọi người ghi nhận....”, bà Loan cho hay.
Đinh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-binh-tim-san-pham-dac-trung-dua-san-pham-ocop-ket-noi-cung-du-lich-cong-dong-a13029.html