Làm thế nào để thoát khỏi căn bệnh “lười lao động” của giới trẻ thời nay?

“Lười lao động” của giới trẻ hiện nay được thể hiện qua việc không chịu hoạt động về cả vật chất lẫn tinh thần, không chịu sáng tạo, sự mất tập trung, nhanh bỏ cuộc và không có khả năng phấn đấu và cố gắng. Lười lao động là hội tụ của sự chần chừ, mất định hướng với cuộc sống, sự thờ ơ với chính bản thân mình ở hiện tại và cả tương lai. Vậy, làm thế nào để thoát khỏi cảm giác “lười lao động”?.

nguyen-nhan-cua-luoi-bieng-1713540140.jpeg

Trước tiên, bạn cần phải biết nguyên nhân “lười” ở bạn xuất phát từ đâu? Do bạn hết hứng thú với công việc, bạn mệt mỏi vì công việc hay thế nào? Tìm ra nguyên nhân chính sẽ giúp bạn nhìn nhận lại bản thân và cải thiện công việc của mình. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể đưa ra những hướng đề xuất khác nhau.

Tự thuyết phục bản thân rằng mình muốn làm việc

Đây là một trong những cách dễ nhất mà bạn có thể áp dụng để thuyết phục bản thân. Mỗi khi bạn rơi vào cảm giác lười lao động, hãy tự thúc đẩy bản thân rằng: “Công việc này thật ra rất dễ dàng”. Đừng nghĩ rằng nếu muốn hoàn thành công việc này thì bạn sẽ trải qua vô vàn khó khăn, thử thách. Suy nghĩ đơn giản và tích cực là một cách giúp bạn “đánh lừa” não bộ của mình và thoát khỏi cảm giác lười biếng trong công việc.

Ngừng so sánh bản thân với người khác

Thói quen hay so sánh bản thân mình với người khác chỉ khiến bạn đi “thụt lùi” trên con đường chiến thắng sự lười biếng. Cách suy nghĩ này không những khiến bạn tốn thời gian ghen tị với họ mà còn đánh gục sự tự tin và khả năng tiến bộ của bạn với công việc. Do vậy, hãy vứt bỏ sự so ghen tỵ với người khác và dành thời gian tập trung cao độ vào nhiệm vụ của mình.

Áp dụng nguyên tắc 3 chọn 1

Đây là nguyên tắc rất hay mà bạn nên thực hành thường xuyên để có thể thoát khỏi căn bệnh lười lao động. Thực hiện nguyên tắc này rất đơn giản, với bất cứ một công việc nào đến với chúng ta, chúng ta cũng nên đưa về 1 trong 3 quyết định

Một là, bỏ luôn, không làm: Quyết định này dành cho những việc không quá quan trọng, và lại không tạo hứng thú cho ta. Nếu cứ dây dưa với những việc không muốn làm mà cũng không nhất thiết phải làm, thì sẽ rất tốn thời gian và năng lượng của ta.

Hai là, làm ngay: Những việc chúng ta nên làm ngay là những việc mà ta có thể hoàn thành trong 2 – 5 phút. Hãy tập cho mình thói quen, khi có việc gì đó phát sinh mà mình có thể làm trong khoảng 2 – 5 phút thì hãy làm ngay.

Ba là, xác định rõ thời điểm cụ thể chắc chắn sẽ làm: Nếu thật sự không muốn làm ngay, thì bạn phải xác định rõ ràng thời điểm cụ thể nào mình sẽ tiến hành làm việc này. Và cam kết làm đúng thời điểm đã định, không được trễ hơn.

Lập kế hoạch cụ thể cho công việc

Nguyên nhân khiến chúng ta lười là do trì hoãn, do không nắm rõ mình cần phải làm gì, vậy nên thường lần lữa không làm. Để vượt qua điều này, cần nắm rõ được mình cần phải làm gì, làm khi nào. Do đó, bạn nên lập một kế hoạch cụ thể cho công việc của mình. Đây cũng là cách tuyệt vời để bạn có thể tự kiểm tra lại kết quả những công việc mình đã hoàn thành

Lập kế hoạch và đặt ra deadline (kỳ hạn) cho bản thân sẽ giúp ta có tính kỷ luật hơn. Bạn cũng sẽ có cảm hứng hơn khi làm việc để hoàn thành trước kỳ hạn được giao, tránh luôn tình trạng nước tới chân mới nhảy.

Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Khi bạn đã dành hết thời gian cho công việc thì bạn cũng nên nghỉ ngơi để “sạc pin” cho chính mình. Việc cứ quay cuồng chăm chỉ với công việc là bạn đang khiến bạn rơi vào áp lực công việc. “Điều quan trọng là bạn nhận ra khi nào là đủ” – Matt Holmes – một chuyên gia tâm lý khuyên. Hãy thiết lập một thời gian nghỉ ngơi cho bạn và thực hiện nó ít nhất một ngày trong tuần. Đừng trả lời email sau 8 giờ tối hoặc hãy nghỉ ngơi nguyên ngày chủ nhật. Bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn và hiệu quả hơn khi bạn cho phép mình một ngày từ bỏ công việc.

Đặt mục tiêu cho mình

Bằng cách đặt một mục tiêu nào đó bạn chưa làm được thì bạn sẽ có một điều gì đó đáng mong chờ. Chọn những mục tiêu thực sự có hứng với bạn để bạn có thể theo đuổi dài lâu và có nhiều động lực hơn. Mục tiêu lớn hay nhỏ đều được. Hãy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và nhất là phải có thời hạn để bạn không trì hoãn hay kéo dài thời gian hoàn thành. 

Minh Hy

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lam-the-nao-de-thoat-khoi-can-benh-luoi-lao-dong-cua-gioi-tre-thoi-nay-a13019.html