Đắk Lắk: Nỗ lực loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng

Để thanh toán được bệnh lao, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít địa phương chưa phối hợp khiến phòng chống lao, cụ thể là công tác sàng lọc trong cộng đồng đạt hiệu quả thấp. Ngoài ra, ở một số giai đoạn, việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động tầm soát, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Thực hiện 3 chiến lược phòng chống lao

Theo TS.BS Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đang quản lý, điều trị trên 1.000 bệnh nhân lao các thể. Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc lao đều gia tăng, trong khi đó, số bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng còn rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác phòng chống lao đạt hiệu quả trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo.

Với nhiệm vụ của mình, Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và từng bước thực hiện các kế hoạch phòng chống bệnh lao. Theo đó, công tác phòng chống lao sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện. Hiện tỉnh đang thực hiện 3 chiến lược phòng chống lao. 

Chiến lược thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát hiện các trường hợp bệnh nhân mắc lao khi tới khám tại cơ sở y tế. Với chiến lược này, tất cả các bệnh nhân tới khám nếu có dấu hiệu ho, ho kéo dài, khó thở, đau ngực đều bắt buộc chụp X-quang phổi và làm các xét nghiệm liên quan nếu bác sĩ có chẩn đoán nghi ngờ mắc lao. 

tsbs-chau-duong-pld-1712749456.jpg
Theo TS.BS Châu Đương - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đang quản lý, điều trị trên 1.000 bệnh nhân lao các thể.

Chiến lược thứ 2 là triển khai khám chủ động, các đối tượng đang sống trong cộng đồng nhưng nguy cơ cao mắc bệnh lao như những người sống cùng bệnh nhân lao, những người có biểu hiện mắc bệnh lao và những người già mắc bệnh mạn tính sẽ được tầm soát và đưa vào sàng lọc. 

Chiến lược thứ 3 là tầm soát, quản lý lao tiền ẩn. Việc tầm soát lao tiềm ẩn rất quan trọng bởi lao tiềm ẩn là những người đang mang vi khuẩn lao trong người nhưng chưa phát ra bệnh. “Việc phát hiện sớm các đối tượng này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình lao động của người bệnh, cắt đứt nguồn lây ngay từ đầu, tiến tới loại trừ lao ra khỏi cộng đồng. Với việc triển khai đồng thời 3 chiến lược, ngành y tế đang đồng loạt tiến công để rút ngắn thời gian thanh toán bệnh lao” – TS.BS Châu Đương cho biết.

Mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 

Hiện mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 184 xã, phường, thị trấn. Các cán bộ trạm y tế tuyến xã đã thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh lao. Đồng thời tham gia quản lý, theo dõi... để bệnh nhân điều trị đúng theo phác đồ. 

Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, công tác thu dung, điều trị cho các bệnh nhân lao luôn được chú trọng. Để tăng hiệu quả hoạt động, Bệnh viện Phổi tỉnh đã đầu tư trang thiết bị mới, kỹ thuật cao đồng bộ, như: Máy nội soi màng phổi sinh thiết, máy đo chức năng hô hấp chuyên sâu, kháng sinh đồ hạng 2, kháng sinh đồ tạp khuẩn, hệ thống xét nghiệm nhanh phát hiện vi khuẩn lao Genxpert... Cùng với đó là công tác chẩn đoán, điều trị đã có sự đổi mới nên công tác phòng, chống, điều trị lao đã đạt được những kết quả. 

y-te-xa-y-te-thon-ban-xa-ea-yieng-pld-1712749456.jpg
 Y tế xã, y tế thôn bản xã Ea Yiêng hướng dẫn bệnh nhân mắc lao uống đúng quy trình điều trị.

Mặc dù các chiến lược phòng, chống lao đã được đồng thời triển khai trên nhiều mặt trận, nhưng theo bác sĩ Châu Đương, nhưng chấm dứt bệnh lao (dưới 20 người mắc lao/100.000 dân) vẫn là chặng đường khó khăn, rất cần sự chung tay phối hợp của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhất là người dân. Bởi việc nhận thức của người dân đối với căn bệnh này còn thấp; nhiều người vẫn còn chủ quan với bệnh lao. 

Bệnh lao vẫn còn chịu sự kỳ thị lớn của cộng đồng, điều đó khiến nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng mắc lao thường có tâm lý giấu bệnh, không dám đi khám, điều trị, không thực hiện các biện pháp phòng tránh khi mắc bệnh và tự ý chẩn đoán, tự ý mua thuốc uống khiến bệnh tình ngày càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng càng cao. Bên cạnh đó, không ít người bệnh không tuân thủ điều trị, khi thấy cơ thể khỏe hơn đã bỏ giữa chừng, không tiếp tục uống thuốc, điều trị theo đúng phác đồ... khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn và khi phát tác rất khó điều trị. 

Để chấm dứt hoàn toàn bệnh lao: Vai trò y tế cơ sở rất quan trọng

Thực tế ghi nhận tại xã Ea Yiêng, huyện K.rông Pắk cho thấy, dù là xã miền núi nghèo, nơi phát hiện ra nhiều bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn nhất trong tỉnh tuy nhiên nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp chính quyền đặc biệt sự tham gia của nhân viên y tế xã, thôn bản, cộng tác viên mà nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Bà Nai và Bà Yap (hơn 60 tuổi, người dân tộc Xê Đăng) sinh sống trên địa bàn xã cũng mới được phát hiện mắc lao qua khám sàng lọc lao cộng đồng vào cuối năm ngoái và đang tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh lao, được cấp phát thuốc miễn phí từ Trạm Y tế xã Ea Yiêng. Vừa qua, xét nghiệm lại, cả 2 bà đều đã âm tính với bệnh lao. Đây là thành quả của việc vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân mà mạng lưới y tế tại xã Ea Yiêng đã triển khai.

Chị Gương, là một trong những gương mặt thân quen đối với người dân xã Ea Yiêng. Nhận thấy bệnh lao để lại hệ lụy rất lớn cho sức khỏe cũng như kinh tế của người dân chính vì vậy chị Gương đã tham gia làm cộng tác viên vận động phòng chống lao buôn Con H’Rinh, xã Ea Yiêng.

Chị Gương chia sẻ, việc vận động người đồng bào dân tộc tuân thủ phác đồ điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, bởi quá trình điều trị, một số bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc khiến vi khuẩn lao không được tiêu diệt hoàn toàn và gây bệnh trở lại. Tuy nhiên càng khó khăn chị Gương lại quyết tâm và kiên trì đi vận động để bà con tuân thủ phác đồ điều trị cũng như khám sàng lọc chủ động lao.

“Khi có chương trình vận động tầm soát bệnh lao, vận động bà con là phải thường xuyên đi lấy thuốc uống để cho khỏi bệnh. Nhiều chị em nói uống thuốc có tác dụng chóng mặt, đau đầu. Tôi cũng phải vận động họ cố gắng uống, cái đấy không sao cả, chỉ là tác dụng phụ thôi. Họ còn sợ mình bị lao thì mọi người sẽ xa lánh. Nói họ phải cách ly, dùng các biện pháp tránh lây nhiễm gia đình và cộng đồng. Giải thích bằng ngôn ngữ của họ và kiên trì nhiều lần thì họ sẽ hiểu ra” – chị Gương cho biết.

Nhờ sự vận động kiên trì từ những người làm công tác y tế xã, cộng tác viên số người dân tại xã Ea Yiêng được khám sàng lọc lao và điều trị khỏi bệnh lao ngày càng gia tăng.

tham-kham-va-dieu-tri-cho-benh-nhan-mac-lao-tai-xa-ea-yieng-pld-1712749456.jpg
 Thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại xã Ea Yiêng.

Theo Bác sĩ Châu Đương, mỗi năm Chương trình phòng, chống lao của tỉnh chỉ phát hiện khoảng hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh, đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân mắc mới và tái phát, tái nhiễm gia tăng nhiều. Những người mắc lao đa số là người nghèo, kém hiểu biết về căn bệnh này nên họ thường không đi khám bệnh khi có các dấu hiệu mắc lao. 

Thực tế theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk theo ước tính của Tổ chức thế giới dịch tễ lao của Việt Nam rất cao, cứ 100.000 nghìn người dân có khoảng 176 người mắc lao, như vậy với tỉnh Đắk Lắk dân số khoảng 2 triệu người thì 1 năm có ít nhất khoảng 3.500 người mắc lao mới. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị còn rất nhiều.

Do đó, những thành viên của mạng lưới cộng đồng đóng vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống y tế tại địa phương, tích cực hỗ trợ những người mắc lao điều trị thành công và người mắc lao tiềm ẩn hoàn thành điều trị.

Hoàng Thảo

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dak-lak-no-luc-loai-tru-benh-lao-ra-khoi-cong-dong-a12943.html