Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE cho biết, vùng Lãnh thổ Bắc Úc là bang có diện tích đứng thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Úc với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng, tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch thường trực VAFIE nhấn mạnh, kết quả các chuyến thăm và khảo sát tại Bắc Úc của lãnh đạo VAFIE và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc thời gian gần dây cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động Việt Nam có tay nghề cao sang Bắc Úc; Nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và chế biến thịt; Logistics, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng: Phát triển các dự án năng lượng mặt trời... Chính quyền Bắc Úc ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.
Ông Tuấn cũng cho biết, từ tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NTVBC) đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược để cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Bắc Úc. Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc” được tổ chức lần này, tại Hà Nội là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy triển khai Kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Úc.
Tại Hội thảo, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chia sẻ, đến nay, Việt Nam có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Riêng đầu tư của Việt Nam sang Australia, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh tiềm năng rất lớn với 94 dự án hiện hữu với tổng vốn đăng ký 584,23 triệu USD, đứng thứ 11/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Các lĩnh vực chính gồm: Nông nghiệp (10 dự án, vốn đăng ký 141,3 triệu USD, chiếm 24,2%); Kinh doanh thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ (39 dự án, vốn đăng ký 108,5 triệu USD, chiếm 18,6%); Kinh doanh bất động sản (9 dự án, vốn đăng ký 96,6 triệu USD, chiếm 16,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2 dự án, vốn đăng ký 95,37 triệu USD, chiếm 16,3%); và các lĩnh vực khác chiếm 24,4%.
Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh, Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009 và nâng lên quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Ngày 5/11/2020, Chính phủ hai nước đã nhất trí Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược trong giai đoạn 2020 - 2023. Ngày 7/3/2024, hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước, nhất là thương mại, đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC “Vietnam at a glance: Việt Nam và Australia sẵn sàng một giai đoạn mới” thì kim ngạch thương mại giữa hai nước đã bùng nổ trong một thập niên vừa qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023.
GS.TSKH Nguyễn Mại cũng cho biết, đầu năm 2022, Lãnh đạo VAFIE đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về Chương trình hợp tác kinh tế Việt Nam - Bắc Úc và chương trình này đã được đưa vào vào Chiến lược hành động chung nhằm tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ với vai trò vừa là Phó Chủ tịch VAFIE, vừa là Chủ tịch Hội đồng NT-VBC, Chủ tịch Tập đoàn Vabis nhấn mạnh, Australia ở cả cấp liên bang và tiểu bang hiện nay đang hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương và đặt tầm quan trọng lớn hơn vào mối quan hệ với ASEAN. Điển hình là Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040, đã được Chính phủ Australia công bố vào ngày 6/9/2023, mà trong đó Việt Nam luôn được đặt vào vai trò và vị trí trung tâm. Vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời điểm này là thuận lợi hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, sinh sống, làm việc nhiều năm tại Úc, ông Mỹ cho biết, đại đa số người Việt Nam khi nói đến Australia thì địa điểm đầu tiên thường nghĩ đến là New South Wales hay Victoria với những đô thị sung túc như Sydney hay Melbourne, rất ít người biết rằng Thủ phủ Darwin của Lãnh thổ Bắc Úc mới đóng vai trò vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ gần nhất kết nối Châu Úc với Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là khối ASEAN.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NT- VBC) khẳng định, Bắc Úc là lãnh thổ đầy tiềm năng cho hoạt động đầu tư. Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc sẽ đề ra phương pháp tiếp cận với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng. Chiến lược cũng sẽ nhấn mạnh đến việc phối kết hợp và tận dụng thế mạnh nguồn lực Việt Kiều ở Bắc Úc nói riêng và Australia nói chung để tham gia vào các chuỗi cung ứng.
Mai Phương
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/day-manh-tiem-nang-hop-tac-dau-tu-giua-viet-nam-va-bac-uc-a12829.html