Hướng phát triển bền vừng!
Có thể nói, việc hình thành các điểm du lịch nông nghiệp tại Quảng Bình là tín hiệu đáng mừng. Nhưng trên thực tế, không phải điểm du lịch nông nghiệp nào cũng am hiểu về du lịch để có thể phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp. Vậy làm gì để tìm hướng đi hiệu quả cho du lịch nông nghiệp?
Chính cách làm mới đã thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận đối với tư duy sản xuất xưa cũ, những mô hình du lịch nông nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp ở Quảng Bình hay bất cứ một địa phương khác cần phải có quy hoạch phù hợp, lâu dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được. Để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả. Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Làm sao để người nông dân thấy được lợi ích của nông sản và làm giàu nhờ du lịch ngay trên cánh đồng của mình. Với đặc thù là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp, nên việc đưa nông nghệp vào du lịch là câu chuyện cần được các địa phương phát huy những thế mạnh vốn có. Mỗi địa phương nên nhìn nhận và có quy hoạch thấu đáo, đưa ra phương án giúp người nông dân định hướng cách làm. Có thể mở những lớp tập huấn để người nông dân không bỏ ruộng, bỏ vườn và làm giàu ngay trên quê hương của mình.
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng bền vững. Để phát triển nông nghiệp du lịch, người nông dân cần phát triển sâu, làm tốt những sản phẩm nông nghiệp mà mình có, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa, có những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, đến tập tục truyền thống.
Một thực tế hiện nay, nông dân Việt vẫn theo nếp cũ, sản xuất manh mún, sản xuất không liên kết với nhau và “đèn nhà ai nhà đấy rạng”. Muốn làm nông nghiệp du lịch thì cần phải tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân, với tập thể như hợp tác xã. Các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển nông nghiệp du lịch cũng cần có các biện pháp liên kết người nông dân, hướng dẫn cách làm nông nghiệp du lịch. Làm sao cho người nông dân hiểu được câu chuyện liên kết mới mang lại nguồn lợi. Câu chuyện du lịch nông nghiệp cũng mang sắc thái của du lịch cộng đồng, để những người sinh sống trên nông sản từ nông nghiệp hiểu, liên kết và cùng nhau làm du lịch.
Theo chuyên gia về du lịch đánh giá, tiềm năng du lịch nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình rất phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác nông nghiệp làm du lịch hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức nhỏ hẹp, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu, quảng bá. Đa số các hoạt động du lịch nông nghiệp đều mang tính tự phát, manh mún, trùng lặp…
Tuy nhiên, khi làm được du lịch nông nghiệp, thành quả lớn nhất là giúp người dân được hưởng lợi trên những sản phẩm nông nghiệp của mình. Nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, diện mạo các làng quê nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Ngành du lịch không những được hưởng lợi mà còn giúp định vị lại ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường...
Lèn Chùa Ecostay, khu du lịch này được UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất xây dựng mô hình thí điểm thuộc chương trình OCOP và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đưa vào danh mục mô hình thí điểm Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 14/4/2023. Đây cùng là mô hình du lịch duy nhất của tỉnh Quảng Bình nằm trong danh mục này.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phát triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liền với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng tại khu du lịch Lèn Chùa Ecostay. Hay trở thành người nông dân thực thụ hòa nhập cùng hệ sinh thái tại làng du lịch Bồng Lai Quảng Bình ở Soi Farm, Duck Stop,...; Hoặc ở những nông trại rộng được xây dựng dựa trên hình ảnh mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam, chắc chắn rằng đây là là những trải nghiệm mà ít ai có được khi lớn lên ở thành thị.
“Để phát triển du lịch nông nghiệp, các trang trại cần phải tập trung đầu tư, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất theo hướng chuẩn VietGAP, đặc biệt là chú trọng đến nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, các trang trại cần chú trọng ký kết với các tour, đoàn du lịch để liên kết thành một hệ thống chuỗi từ đầu vào cho đến đầu ra nhằm thu hút khách du lịch…”, các chuyên gia chia sẻ.
Xác định chiến lược lâu dài và bền vững
Câu chuyện du lịch nông nghiệp hiện nay được người dân Quảng Bình nhìn nhận và có hướng đầu tư bài bản. Tuy nhiên để có một hướng đi cụ thể, bài bản thì cần một cơ chế chính sách và sự vào cuộc để định hướng một cách rõ ràng nhất.
Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ riêng gì ở Quảng Bình, mà các địa phương trên toàn quốc cần có một hướng đầu tư bài bản, và phải có sự liên kết của với các tour đoàn, bên cạnh đó không đầu tư trùng lặp, sao chép ý tưởng một cách máy móc thì sẽ thu hút một lượng du khách tìm đến.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Có thể thấy rằng, vị trí, vai trò của du lịch nông thôn ở Quảng Bình có rất nhiều tiềm năng do vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Bình. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra nhằm thực hiện tốt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trước hết, ngành du lịch sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.
Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch), bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn….
Muốn phát triển du lịch nông thôn, trước hết chất lượng nguồn nhân lực sẽ được chú trọng do vậy ngành du lịch sẽ rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý cũng cho hay: “Chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế…”.
Theo thông tin từ Sở Du lịch, giai đoạn 2021-2023, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đầu tư hình thành các làng văn hóa du lịch, làng DLNT và bước đầu hình thành 3 mô hình điểm là: Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm và Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa. Một số dự án đầu tư phát triển các điểm DLNT, cơ sở lưu trú cộng đồng đã đưa vào khai thác thu hút khách du lịch, góp phần đa dạng dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân khu vực nông thôn.
Với sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những giá trị văn hóa đặc sắc và sự chân thực của cuộc sống nông thôn đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang màu sắc đa dạng và khác biệt của du lịch nông thôn ở Quảng Bình. Kỳ vọng rằng với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, du lịch nông thôn ở Quảng Bình sẽ trở thành một trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo cho du khách muốn tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam nói chung, mảnh đất và con người Quảng Bình nói riêng.
Ngày 2/8/2022, tại Quyết định số 922/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND, ngày 13/4/2023 thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây được xem là định hướng để thúc đẩy phát triển DLNT của tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thực hiện chương trình, Sở đã phối hợp các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển DLNT (bao gồm du lịch cộng đồng) gắn với xây dựng NTM tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; xác định việc phát triển DLNT là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch trong thực hiện các nội dung của ngành Du lịch tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Đinh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lam-du-lich-nong-nghiep-o-quang-binh-can-mot-ban-tay-quy-hoach-ro-rang-a12677.html