Cần thay đổi tư duy trong quản trị, điều hành
Thế hệ cha ông luôn nhắc nhở con cháu: “Làm việc ở đâu thì phải trung thành ở đó. Khi mình trung thành với doanh nghiệp thì họ sẽ ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng!” điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Tuổi trẻ ngày nay khác xưa nhiều lắm, họ có tư duy phản biện xuất sắc hơn cha ông ngày trước. Những điều sai trái, chưa hợp lý họ sẵn sàng đóng góp ý kiến, sẵn sàng phản biện và sẵn sàng chịu trách nhiệm…
Chủ doanh nghiệp được ví như là “vua” tại doanh nghiệp, là chủ soái lãnh đạo ba quân. Nhưng, nếu đã gọi là “vua” thì cũng có “vua tốt – minh quân” và “vua xấu – hôn quân”. Ví như, Hàn Tín đầu quân về Hạng Lương, vốn chẳng được trọng dụng mà còn bị xem thường hay như cụ Đào Duy Từ nếu đồng ý ra làm quan cho Đàng ngoài thì liệu có lập đại công hiển hách, lưu danh sử sách đến ngày nay hay không?
Rất nhiều nhà tuyển dụng quan ngại ứng viên “nhảy việc” vì họ cho rằng: “Ứng viên không trung thành”. Trung thành trong trường hợp này là đơn phương. Cần hiểu rộng hơn và cần có sự tương tác song phương. Không một nhân viên nào chấp nhận ở lại cống hiến cho doanh nghiệp suốt 10 năm mà lương không tăng nổi một đồng và cũng không thể chấp nhận ngồi mãi “chiếc ghế” nhân viên hơn chục năm, mặc dầu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chỉ vì “chiếc ghế lãnh đạo” đã được cơ cấu cho con, cháu của chủ doanh nghiệp.
Quanh quẩn đâu đó vài lời hứa suôn: “Cống hiến hết mình, tưởng thưởng xứng đáng”, hay như những lời động viên sáo rỗng: “Chúng ta là một gia đình”. Tưởng thưởng như thế nào là xứng đáng? Cổ phần hay cổ phiếu ESOP? Làm sao để nhân viên hiểu được rằng, họ cứ an tâm cống hiến vì doanh nghiệp là của họ và họ vẫn có thể truyền thừa đến thế hệ con, cháu sau này. Nếu, phát biểu chúng ta là một gia đình thì tại sao chủ doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động 10 năm hay vô thời hạn? sao lại “sa thải” những đứa con của mình?
Nếu đã ký hợp đồng lao động “có thời hạn” thì không thể bắt buộc nhân viên trung thành một cách…“vô thời hạn”.
Lãnh đạo doanh nghiệp cần nâng cao năng lực văn hoá
Chúng ta đều phải thừa nhận với nhau rằng hầu hết tất các chủ doanh nghiệp là những người có năng lực vượt trội, hơn người. Thế nhưng, không phải ai trong số họ cũng trang bị một loại năng lực “cốt tủy” của một doanh nhân: Năng lực văn hóa. Trong môi trường kinh thương tại Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xuất hiện ba thực thể riêng biệt: Con buôn, trọc phú và doanh nhân. Truyền thông tại nước ta vẫn thường gọi chung tên của ba thực thể: Doanh nhân – người làm kinh doanh có thành công nhất định.
Người làm kinh doanh có quy mô hay chủ doanh nghiệp đều được gọi là: Doanh nhân - tên gọi và cách hiểu này của giới truyền thông không sai và cũng không cần phải đính chính bởi thực tế, tự điển Việt Nam chưa có định nghĩa chính xác và khái niệm phân loại doanh nhân. Rất nhiều chủ doanh nghiệp thường hay tự nhận hay ngộ nhận bản thân là doanh nhân, nhưng bản chất thì không đúng với danh hiệu đó. Danh hiệu doanh nhân bị “tước bỏ” khi và chỉ khi chủ doanh nghiệp cảm thấy chưa xứng đáng hay “Bộ Công an” xác nhận họ không phải là doanh nhân.
Con buôn và trọc phú về bản chất đều giống nhau, họ gây phương hại cho lợi ích khách hàng và xã hội. Họ làm giàu cho bản thân bằng cách lừa dối khách hàng, đối tác và cả…nhân viên thuộc cấp. Đều này nói lên năng lực văn hóa của họ vẫn đang còn sơ khai và yếu kém. Bản thân chủ doanh nghiệp chưa chính trực, độc tài và thiếu tinh thần cầu thị thì sao lại bắt buộc nhân viên phải… trung thành? Một nghịch lý, cần làm sáng tỏ (!?)
Nhân sự đầu quân và trung thành với doanh nghiệp vì lý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh và nhân cách của chủ doanh nghiệp. Một người chủ doanh nghiệp có lý tưởng kinh doanh cao thượng và văn hóa kinh doanh hài hòa lợi ích xã hội và cộng đồng thì không thể là người có nhân cách xấu. Ngược lại, chủ doanh nghiệp có “nhân cách xấu” thì còn ai dám trung thành với họ? Có chăng nữa, thì cũng chỉ là những nhân viên thuộc cấp… “cùng tần số” ma mãnh, mưu mô và… bất tài.
Thế nên, ông bà ta vẫn thường răn dạy con cháu trong nghệ thuật lãnh đạo, đắc nhân tâm: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” luôn luôn đúng. Lòng trung thành của nhân viên là kết quả của quá trình thực thi năng lực văn hóa của chủ doanh nghiệp không phải là yêu cầu hay đòi hỏi cơ bản ngay trong hoạt động tuyển dụng tại doanh nghiệp…
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó Chủ tịch Hanita Master
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/khai-niem-trung-thanh-goc-nhin-lech-chuan-tu-chu-doanh-nghiep-a12535.html