Quản lý tiền cho nhà giàu

Lớp người giàu đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, trên 10% mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2023, đưa Việt Nam thành thị trường tiềm năng cho các dịch vụ quản lý tài sản.

Evrard Bordier, giám đốc chi nhánh Singapore của ngân hàng tư nhân Bordier & Cie, là thế hệ quản lý đời thứ năm của gia đình Bordier, gia tộc sở hữu và quản lý ngân hàng này. Bordier & Cie, ngân hàng tư nhân Thuỵ Sĩ với tuổi đời 174 năm, nổi tiếng với các dịch vụ quản lý tài sản cho giới nhà giàu, cho đến giờ vẫn giữ nguyên mô hình một ngân hàng gia đình. Đến nay Bordier & Cie đã mở rộng hoạt động ra sáu quốc gia với tổng tài sản quản lý được công bố trên 20 tỉ USD .

Evrard Bordier có mặt tại Việt Nam hôm 25.2.2020 trong sự kiện lễ ra mắt MB Private - ngân hàng chuyên phục vụ khách hàng cá nhân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Bordier & Cie sẽ là đối tác của MB Private khai mở thị trường dịch vụ ngân hàng cá nhân tại Việt Nam. Ông Lưu Quốc Thái, CEO MB cho biết Bordier & Cie sẽ đảm nhiệm các dịch vụ của MB Private ở nước ngoài.

Buổi lễ có mặt nhiều nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh Việt Nam như ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh (Thành Thành Công), ông Bùi Thành Nhơn (Novaland), bà Lê Thị Lệ Hằng (Quỹ đầu tư SSIAM), ông Dominic Scriven (Dragon Capital) ... Nhiều người trong số các doanh nhân này đang là khách hàng của MB.

Ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB (Ảnh: MB)
"Một giải pháp toàn diện như Private Banking vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đặt ra cho các tổ chức tài chính Việt Nam" (Ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB - Ảnh: MB)

Dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) là nghiệp vụ đã trở nên thông dụng của ngành ngân hàng thế giới từ lâu. Loại hình này đưa ra cho giới nhà giàu các dịch vụ quản lý tài sản và mọi nhu cầu liên quan đến tài chính cá nhân các khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, hay thậm chí mua một chiếc du thuyền, hay một bức tranh của các danh hoạ nổi tiếng...

Theo ông Lưu Trung Thái, "dù những dịch vụ đơn lẻ như quản lý tài sản hoặc tư vấn đầu tư đã xuất hiện trên thị trường, việc cung cấp một giải pháp toàn diện như Private Banking vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đặt ra cho các tổ chức tài chính Việt Nam".

Lớp người giàu đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, trên 10% mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2023, theo đánh giá của Tổ chức nghiên cứu tài sản Wealth-X. Tốc độ tăng số lượng người giàu tại Việt Nam cao thứ tư trên thế giới. Hiện tại ngân hàng có khoảng 500 khách hàng như vậy, đại diện MB cho biết. Có nghĩa là MB đang nắm giữ ít nhất 500 triệu USD, tương đương 12.000 tỉ đồng từ nhóm khách hàng tiềm năng này trên tổng số gần 273.000 tỉ đồng tiền gửi từ tất cả các khách hàng. Cho đến giờ MB vẫn đang giữ các khoản tiền gửi từ các lớp khách hàng như vậy và đầu tư như các khoản tiền gửi bình thường khác, đồng thời chăm sóc khách hàng với tiêu chuẩn ưu tiên. MB Private cho biết sẽ cung cấp cho khách hàng các dịch vụ ngân hàng, giải pháp đầu tư, bảo hiểm và tín dụng, hoạch định tài sản cũng như các hoạt động tư vấn chuyên biệt theo yêu cầu.

Nói chung, người giàu, thường được định nghĩa giống nhau trong hầu hết các hệ thống ngân hàng trên thế giới, là những người có tài sản có thể đầu tư từ 1-2 triệu USD trở lên, không kể bất động sản và các tài sản thanh khoản thấp. Giới nhà giàu đang nắm giữ quá nửa giá trị tài sản toàn cầu.

Châu Á tiếp tục nổi bật với tổng tài sản người giàu ước đạt 58 nghìn tỉ USD trong năm năm tới, với mức tăng trưởng khoảng 9,4% mỗi năm.

Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu và tư vấn Boston (BCG) cho rằng đến năm 2023, tỷ trọng tài sản có thể đầu tư trên toàn thế giới sẽ tăng lên mức 61% tổng tài sản, tăng 2 điểm % từ mức 59% năm 2018. Riêng châu Á, tỷ trọng có thể lên tới 81% vào năm 2023. BCG cũng dự đoán rằng, năm 2023, dịch vụ ngân hàng cá nhân châu Á sẽ quản lý khoảng 24 nghìn tỉ USD tài sản của giới nhà giàu, tương đương quy mô GDP của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2019.

Tại châu Á, DBS Bank (Singapore) đang mở rộng hoạt động ngân hàng cá nhân trên khắp châu Á, cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng quốc tế quy mô lớn như Standard Chartered, HSBC, Citigroup tại khu vực.

Khoản tiền khổng lồ đến từ một nhóm khách hàng giới hạn hấp dẫn tất cả các tổ chức quản lý tài sản, không chỉ ngân hàng. Với ngân hàng, việc quản lý số tiền của nhóm khách hàng này không chỉ mang lại nguồn tiền hoạt động dồi dào, mà còn nâng cao chất lượng nguồn vốn ngân hàng, vốn đang bị siết chặt bởi các quy định Basel - mà Việt Nam đang thực hiện mức Basel II. Gửi tiền nhiều hơn là vay tiền, nhóm người giàu giúp các ngân hàng có khoản tiền ổn định, mà không cần phải trích lập dự phòng theo các quy định của Basel, qua đó có thể đẩy mạnh cho vay các khách hàng khác, tăng lợi nhuận hoạt động.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quan-ly-tien-cho-nha-giau-a1247.html