Lãi suất toàn cầu giảm đang là dấu hiệu xấu cho các nền kinh tế

Dấu hiệu sâu sắc nhất về tương lai của nền kinh tế toàn cầu không phải là sự sụt giảm mạnh của chứng khoán tuần qua. Thay vào đó, là những gì đang xảy ra trong thị trường trái phiếu.

Ngày 3.3, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ bất ngờ hạ lãi suất trần xuống còn 1-1,25%. Mức lãi suất rất thấp đồng nghĩa không còn nhiều đường xoay trở nếu các điều kiện kinh tế tồi tệ hơn.

Lãi suất toàn cầu đang giảm mạnh. Một mặt điều này phản ánh sự hối hả rút lui vào các các kênh đầu tư an toàn, điều thường xảy ra khi nào nền kinh tế thế giới có dấu hiệu nguy hiểm. Nhưng mặt khác nó cũng thể hiện kỳ vọng rằng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất hoặc thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19.

Điều này làm dấy lên cảnh báo bi quan về nền kinh tế thế giới trong nhiều năm tới. Và cảnh báo này vẫn còn giá trị thậm chí nếu thiệt hại kinh tế cuối cùng do dịch bệnh virus Corona chỉ nhẹ nhàng và ngắn hạn.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,16% trong giao dịch sáng ngày 28.2, từ 1,9% hồi đầu năm và 2,7% năm ngoái. Từ Nhật Bản đến Đức và Úc, tất cả các nền kinh tế lớn khác bên cạnh Mỹ đều đang phải trải qua sự sụt giảm tương tự.

Thông thường lãi suất dài hạn giảm đến mức rất thấp chỉ xảy ra vào những thời điểm hoảng loạn và suy thoái tài chính. Nhưng hiện tại, nền kinh tế vẫn đang an toàn và các nhà đầu tư chỉ đang lo sợ do gián đoạn kinh tế.

Đó là cách thị trường tài chính cho biết Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ cần giữ lãi suất ở mức đặc biệt thấp trong thời gian chưa xác định – một kỷ nguyên nguồn vay giá rẻ không chỉ chưa chấm dứt, mà chỉ mới bắt đầu. Và điều này khiến nền kinh tế thế giới nói chung càng dễ tổn thương thêm nếu các điều kiện tồi tệ hơn.

“Nếu đây đã là một cơn sốc nặng, thì họ chẳng còn vũ khí gì để đối phó nữa”, ông Joseph Gagnon, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Peterson cho biết. Ông Gagnon cho rằng Fed chỉ có khả năng cân bằng một đợt suy thoái nhẹ đến trung bình, vì ngay cả trước khi thị trường lo sợ đại dịch thì lãi suất vốn đã ở mức thấp.

Nếu chỉ đe dọa từ virus Corona là đủ để đẩy lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước hay cuộc Đại Suy thoái, điều này có nghĩa rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ thiếu vũ khí trầm trọng nếu dịch bệnh hoặc các thảm họa tương lai khác, gây ra rối loạn kinh tế thực sự chứ không phải chỉ do lo sợ.

Hãy nhìn theo cách này: Một năm trước, mức lãi suất ngắn hạn và Fed sử dụng để định hướng kinh tế là hơn 2,25%. Mùa hè và mùa thu năm 2019, khi chiến tranh thương mại và xu hướng tăng trưởng chậm lại đe dọa đến kinh tế Mỹ, Fed cắt giảm lãi suất ba lần, đến mức chỉ trên 1,5%. Biện pháp cắt giảm khi đó có vẻ có tác dụng.

Ngày nay, với thiệt hại kinh tế của dịch bệnh có vẻ ngày càng gia tăng, thị trường tương lai chỉ ra rằng các nhà đầu tư trông đợi hai đến ba lần cắt giảm nữa trong năm nay.

Có một cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa các nhà kinh tế và các nhà quan sát thị trường là liệu cắt giảm lãi suất như vậy có phải bước đi khôn ngoan.

Công cụ quy định lãi suất của Fed ít phù hợp vì không thể bảo vệ nền kinh tế tránh khỏi đóng cửa sản xuất do nỗi lo bệnh dịch. Các nhà kinh tế không thể tạo ra vaccine hay làm chậm lại tỉ lệ lây nhiễm. Mặt khác, chỉ có thể chống suy thoái bằng những công cụ có trong tay, chứ không phải những vũ khí mình muốn có.

Nhưng giả sử ngân hàng trung ương thực sự cần cắt giảm lãi suất để cố gắng cứu nguy nền kinh tế, thì lãi suất phải giảm đến mức thấp hơn 1% trong một nền kinh tế vẫn đang khá ổn, ít nhất là giây phút này.

Điều này sẽ khiến Fed không còn nhiều đường xoay trở để kích thích nền kinh tế. Thậm chí một suy thoái nhẹ cũng sẽ khiến Fed phải quay sang các công cụ ít thông dụng hơn, bao gồm các chính sách nới lỏng định lượng được sử dụng rộng rãi từ năm 2009 đến 2014, và Fed sẽ gửi đi các dấu hiệu rõ ràng hơn về ý định giữ mức lãi suất thấp lâu hơn trong tương lai.

Hoa Kỳ nhất định sẽ ngày càng giống Nhật Bản và Châu Âu, những nơi có lãi suất giảm đến mức âm và giữ nguyên như vậy trong nhiều năm. Ở Đức, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ có lãi suất âm 0,55% ngày 27.2, trong khi ở Nhật Bản là âm 0,12%.

Để nói rõ hơn, các điều kiện này hầu như không phải là quá tồi tệ đối với Tây Âu hay Nhật Bản. Các quốc gia này có thể duy trì tiêu chuẩn sống cao và thị trường việc làm tốt thậm chí khi lãi suất trái phiếu chỉ ra tương lai tăng trưởng kinh tế chậm.

Sự kết hợp của lãi suất thấp và chi tiêu thâm hụt ngân sách lớn của chính phủ liên bang chỉ đủ để giúp kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng trong hơn một thập kỷ, và đẩy tỉ lệ thất nghiệp xuống ổn định ở mức dưới 4%.

Nhưng điều này cũng dấy lên một câu hỏi tối quan trọng: Nếu phải cần tới sự kết hợp như vậy mới đạt được mức tăng trưởng liên tục, thì khi đối phó khủng hoảng kinh tế thực sự phải làm thế nào? Các thông tin mới nhất xoay quanh dịch virus Corona và các động thái phản ứng của thị trường trái phiếu sẽ sớm cho chúng ta biết được câu trả lời.

Theo The New York Times

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lai-suat-toan-cau-giam-dang-la-dau-hieu-xau-cho-cac-nen-kinh-te-a1245.html