Nikkei Asia đưa tin Vinamilk, doanh nghiệp chiếm gần 60% thị phần sữa Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Myanmar trong năm 2019. Tuy nhiên trao đổi với Nhà quản lý, đại diện Vinamilk phủ nhận thông tin này. Vinamilk cho biết công ty chưa có kế hoạch và cũng chưa nhận được giấy phép xây dựng nhà máy tại Myanmar, cho dù đây là một trong các thị trường quốc tế trọng điểm của công ty.
Thị trường sữa tại Myanmar đang tương đối sơ khai với 85% sản lượng sữa đến từ các nông trại nhỏ, là sữa tươi chưa qua chế biến. Myanmar Insider nhận định. Sản lượng sữa hàng năm tại Myanmar ở vào khoảng 620 triệu kg, mới chỉ đủ đáp ứng một nửa nhu cầu sữa của người dân nước này, phần còn lại phải nhập khẩu. Ngoài ra, sữa tươi chưa qua chế biến có hạn chế nhất định về việc kiểm định chất lượng và bảo quản. Việc bán sữa tươi chưa qua chế biến tại các chuỗi bán lẻ, siêu thị vì thế gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp/nông trại trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu về sữa đang tăng lên của người dân Myanmar. Quốc gia này vẫn nhập khẩu sữa từ Thái Lan, New Zealand, Singapore, Malaysia, Australia….
Myanmar đang là thị trường hấp dẫn không chỉ với Vinamilk mà còn của các công ty sữa lớn khác trên thế giới. Tham gia thị trường mới mẻ và giàu tiềm năng này, Vinamilk sẽ phải đối mặt với cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Nhưng so với các thị trường đã phát triển, nơi các tay chơi đã được xác lập, rõ ràng Myanmar có lợi thế đáng kể.
Mở rộng hoạt động sang các thị trường mới đang còn dư địa tăng trưởng như Myanmar là một hướng đi của Vinamilk để duy trì tốc độ tăng trưởng, trước tình hình thị trường trong nước đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Năm 2018, doanh thu của Vinamilk tăng trưởng chưa đến 3% so với năm 2017, còn thấp hơn mức tăng trưởng dự kiến mà đại hội đồng cổ đông đề ra (8,5%). Năm 2017, mức tăng trưởng doanh thu của Vinamilk đạt gần 9%. Báo cáo thường niên 2017 của Vinamilk cho thấy mức tăng trưởng doanh thu của riêng thị trường Campuchia mà công ty bắt đầu mở nhà máy hai năm trước, là 61%. Chưa đóng góp nhiều trong tổng doanh thu nhưng rõ ràng thị trường nước ngoài đang là niềm hi vọng mới của Vinamilk. Myanmar cũng có thị trường sữa sơ khai như ở Campuchia trước đó.
Báo cáo về hàng tiêu dùng nhanh của Kantar Worldpanel tháng 6.2018 cho biết các sản phẩm mới trong ngành này ngày càng khó tiếp cận khách hàng. “Cách đây hơn ba năm, tốp 20% sản phẩm mới trung bình tiếp cận được 11% hộ gia đình sau một năm tung ra. Nhưng đến nay, tốp 20% sản phẩm mới chỉ tiếp cận được 9% hộ gia đình” - báo cáo nhận định.
Trong nỗ lực tiến gần hơn với những xu hướng tiêu dùng mới, Vinamilk đã cho ra mắt nhiều sản phẩm sữa hạt, sữa organic... Tuy nhiên, cho dù chi phí quảng cáo và tiếp thị vẫn duy trì hơn 10.000 tỉ đồng mỗi năm, doanh số của Vinamilk bắt đầu tăng chậm lại.
Một báo cáo khác cũng của Kantar Worldpanel cũng cho thấy mức tiêu dùng sữa tại khu vực thành thị Việt Nam năm 2017 đã bắt đầu giảm 3,5% so với năm trước đó, bất chấp mức tiêu thụ sữa bình quân của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore…Ở khu vực nông thôn, mức tiêu thụ sữa năm 2017 cũng chỉ tăng 2,7%.
Việc đa dạng hoá các sản phẩm thức uống bổ dưỡng thay thế sữa, cùng với xu hướng hạn chế sữa có nguồn gốc động vật nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nói trên.
Cách đây một năm, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, đại diện Vinamilk cho biết công ty đang rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc và Myanmar và muốn làm quy mô lớn phải triển khai thật chuẩn hệ thống phân phối và tìm đối tác lớn.
Vinamilk chính thức có mặt
tại thị trường Myanmar từ cuối tháng 5.2016 bằng các mặt hàng xuất khẩu
qua hệ thống phân phối tại nước sở tại. Đó cũng là cách Vinamilk bắt đầu
tìm hiểu một thị trường trước khi có quyết định tiến xa hơn bằng việc
thâu tóm công ty sữa địa phương hay xây dựng nhà máy.
Linh Anh
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vinamilk-chua-co-ke-hoach-mo-nha-may-o-myanmar-a123.html