Sáng ngày 11/1 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, vào thời điểm này năm ngoái, chúng ta đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị trên thế giới.
Bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực (tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%).
Bên cạnh đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.
“Những kết quả có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược và tác động lâu dài này đã tạo nên môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới rất to lớn, thuận lợi cho tăng cường cường an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam.” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.
Bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý. Trong đó, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.
Báo cáo Triển vọng toàn cầu của WB công bố ngày 9/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Đã có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử các-bon.
Địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc. Hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương.
Liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, trên đà thành công của năm 2023, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2024, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm.
Thứ nhất, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.
Thứ hai, ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.
Thứ ba, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời.
Mai Phương
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/du-bao-cac-xu-huong-kinh-te-toan-cau-noi-bat-trong-nam-2024-a12258.html