Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du Lịch Quảng Bình cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 dự ước đạt khoảng 4.510.000 lượt khách, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đạt được 128,86% so với kế hoạch năm 2023.
Trong đó, khách nội địa ước đạt 4.392.000 lượt khách, gấp 2,11 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 129,18% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 118% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đạt 128,86% so với kế hoạch năm 2023. Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là khách từ thị trường Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...
Đặc biệt, trong năm 2023 du lịch Quảng Bình có 2 sản phẩm điểm đến du lịch nổi bật trong mùa đông xuân, giảm thiểu tính thời vụ là mô hình làng du lịch thích ứng thời tiết ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa và Resort tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Nổi bật, làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng Du lịch tốt nhất năm 2023”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, định hướng trong đó phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng một cách bền vững. Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam.
Ngoài hệ thống hơn 400 hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, tỉnh này còn có hệ thống hạ tầng vô cùng thuận lợi để phục vụ phát triển du lịch. Do đó, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục xác định du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là "lối mở" cho việc phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai gần.
Ông Quý cũng cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch đạt 10 đến 12% GRDP của tỉnh Quảng Bình. Với những việc làm thiết thực, cách quảng bá chuyên nghiệp dựa vào nguồn tài nguyên sẳn có, địa chỉ về du lịch được du khách trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn. Quảng Bình xác định, du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là lối mở cho việc phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, với sự ưu đãi của thiên nhiên, Quảng Bình vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng và giá trị của mình. Thời gian sắp tới, tỉnh cần có một chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy tiềm năng vốn có của địa phương.
Quảng Bình quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương; phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn; phát động phong trào để thúc đẩy "mỗi người dân là một sứ giả của du lịch" nhằm tạo dấu ấn rõ nét của du lịch Quảng Bình...
Đinh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-binh-dat-muc-tieu-nganh-du-lich-den-nam-2030-co-ti-le-dong-gop-10-12-grdp-a12252.html