Sự kiện hướng tới Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 - 03/01/2023) với mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều khách mời là chuyên gia trong các lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, truyền thông… đã đem đến cho khán giả trẻ những góc nhìn thú vị, gần gũi về giá trị của tài liệu lưu trữ trong đời sống và ứng dụng thiết thực nhằm phát huy giá trị của di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng.
Chia sẻ tại Toạ đàm, TS. Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của UNESCO năm 2011, đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, đảm bảo nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người. Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
“Chúng tôi hy vọng, việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng và về Luật Lưu trữ sẽ góp phần gợi mở giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung là nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu.” – TS. Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo TS. Cam Anh Tuấn – Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc, di sản văn hóa của xã hội loài người, của mỗi quốc gia, dân tộc, gồm: Di chỉ khảo cổ, hiện vật bảo tàng, công trình khoa học… Vấn đề cốt lõi là tài liệu đó phải có giá trị thực tiễn, khả năng phục vụ sử dụng thông tin của tài liệu cho các hoạt động hiện hành trong xã hội.
Hiện nay tài liệu lưu trữ rất nhiều, vì vậy cần có cách tiếp cận, truyền đạt, thuyết phục giới trẻ hiểu về nó, từ đó tìm về văn hóa cội nguồn, là một trong những cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản hữu hiệu. Bởi trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhiều phông và khối tài liệu, tư liệu đặc biệt quý hiếm, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tích cực thực hiện các hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi những di sản tư liệu nói trên đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Hạ Anh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nang-cao-nhan-thuc-cua-gioi-tre-ve-bao-ton-phat-huy-gia-tri-tai-lieu-luu-tru-va-di-san-tu-lieu-a12138.html