Theo kết quả khảo sát của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, 66,7% các cơ quan, đơn vị tại các địa phương có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương; 68,2% cơ quan, đơn vị có nhu cầu cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ở trình độ Thạc sỹ về Quản trị địa phương. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu về Quản trị địa phương hiện nay là rất lớn.
Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực chuyên môn này, ngày 21/12 tại Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức Hội thảo khoa học “Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học”. Hội thảo diễn ra trong dịp Kỷ niệm 30 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội, hướng tới Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (19/3/2004 – 19/3/2024). Đây cũng là một trong chuỗi hội thảo chuẩn bị cho Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ 7 dự kiến tổ chức vào năm 2025, do Đại học Quốc gia chủ trì.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Phạm Đức Anh – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam.
Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp và bước đi phù hợp, trước hết là việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội để nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính quyền địa phương cũng cần thay đổi cả về tư duy và hành động, phải được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực để trở thành chính quyền kiến tạo, quản trị một cách hiệu quả và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn.”
Chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển địa phương ở Việt Nam: Tiếp cận, thực tiễn và gợi ý chính sách”, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Mọi hành động phát triển đều diễn ra tại địa phương, với mục tiêu chung là Vì địa phương. Các kế hoạch Phát triển địa phương cần chú ý đến bối cảnh địa phương, phân tích thấu đáo các khả năng và hạn chế của địa phương, quan tâm đến nhu cầu của địa phương, sáng kiến, sự tham gia và cộng tác của người dân/cộng đồng/chính quyền địa phương. Nếu không có sự tham gia của những bộ phận này thì khó có thể Phát triển địa phương theo thực tế.”
Thông qua việc tổ chức Hội thảo, Ban tổ chức nhận được tổng cộng gần 50 báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong cả nước. Căn cứ nội dung các báo cáo tham luận, có thể sắp xếp thành 2 chủ đề lớn: Thứ nhất, cơ sở lý luận, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản trị và phát triển địa phương. Thứ hai, thực tiễn quản trị và phát triển địa phương ở Việt Nam hiện nay.
“Nội dung của các báo cáo tham luận rất phong phú và đa dạng, luận giải vấn đề từ tiếp cận của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, mang tới những nhận thức mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn… góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương và đất nước.” – TS. Phạm Đức Anh bày tỏ.
Đại diện Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đang dần phát triển hướng nghiên cứu và đào tạo về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành và dựa trên nền tảng khu vực học chính là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ngày 29/7/2022, Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Nghị quyết số 2536/NQ-HĐ nhất trí thông qua chủ trương mở chuyên ngành Thạc sĩ Quản trị địa phương do Viện VNH&KHPT đề xuất. Ngày 16/5/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1707/QĐ-ĐHQGHN về việc bổ sung Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có ngành Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
Đồng thời, Đề án mở Chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã được Hội đồng chuyên môn cấp Đại học Quốc gia Hà Nội thẩm định và thông qua, sẽ sớm được phê duyệt ban hành. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên về Quản trị địa phương được xây dựng. Trong đó, nội dung đào tạo hình thành dựa trên ba khối kiến thức cơ bản, gồm: Khối kiến thức về địa phương học, khu vực học, Việt Nam học; Khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; Khối kiến thức về các công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ…).
Mai Phương
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chuyen-doi-cach-tiep-can-tu-quan-ly-nha-nuoc-o-dia-phuong-sang-quan-tri-nha-nuoc-o-dia-phuong-a12104.html