Để giảm giá nhà cần tăng nguồn cung NƠXH. Trong đó, HoREA đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, nhất là loại NƠXH cho thuê và loại NƠXH thuê mua, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu rất lớn của các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, góp phần kéo giảm giá nhà ở thương mại.
HoREA cũng đề xuất giải pháp tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp. Luật Đất đai quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất tất cả các dự án nhà ở thương mại; Luật Thuế quy định chỉ giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án NƠXH; Luật Nhà ở cũng không có quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Trên thực tế, dự án nhà ở thương mại có nhiều đẳng cấp, như dự án nhà ở cao cấp (hạng sang), dự án nhà ở trung cao cấp, dự án nhà ở trung cấp, dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Dù cho dự án nhà ở thương mại giá thấp có mức giá tương đương mức giá NƠXH thì cũng không được hưởng chính sách ưu đãi. Nhưng thực tiễn gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (2013-2016) cho thấy, đã có loại nhà ở thương mại có mức giá tương đương với mức giá nhà ở xã hội, không vượt quá 1,05 tỷ đồng/căn.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt, để tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, góp phần kéo giảm giá nhà ở thương mại.
Một giải pháp khác mà HoREA đưa ra, đó là tăng nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền. Các doanh nghiệp BĐS cần quan tâm đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, vì đây là nhu cầu thực rất lớn và có tính thanh khoản cao, lại ít rủi ro. Việc tăng nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền sẽ góp phần kéo giảm giá nhà ở trên thị trường.
Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị Quốc hội và Chính phủ coi trọng giải quyết “điểm nghẽn về thể chế pháp luật”, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các Văn bản Luật, Văn bản dưới Luật có liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông, để làm cơ sở xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Về phía doanh nghiệp, HoREA cho rằng, các công ty cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực cũng như chi phí quản lý để làm giảm giá thành nhà ở.
Đề nghị các doanh nghiệp BĐS xem xét đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền; nhà ở thương mại giá thấp; NƠXH và tham gia các dự án xây dựng lại các chung cư hư hỏng; các dự án di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; các dự án chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp. Đây là các lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản vừa có hiệu quả kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội và tuy có tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần thiết thực để kéo giảm giá nhà ở thương mại.
Quang Khải
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lam-the-nao-de-keo-giam-gia-nha-a12074.html