Phát huy nội lực của các doanh nghiệp cơ khí trong tiến trình phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam

Nhằm tư vấn cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước các vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống giao thông đường sắt, ngày 19/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Tổng hội cơ khí Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.

Hội thảo tập trung làm rõ vấn đề Phát huy nội lực của các doanh nghiệp cơ khí – xây dựng để tự chủ phát triển các dự án đường sắt Việt Nam; khả năng đáp ứng của ngành cơ khí Việt Nam, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong tương lai đối với ngành đường sắt Việt Nam.

phat-trien-he-thong-duong-sat-pld-1702954705.jpg
Hội thảo “Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Ngành vận tải đường sắt được đặc biệt quan tâm đối tại hầu hết các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Sau mội thời gian dài không được quan tâm đúng mức, ngành vận tải đường sắt nói riêng và ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam nói chung đã bị xuống cấp không những không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn là một trong những nguyên nhân làm cho giá thành logistic của Việt Nam vào loại cao trên thế giới, nó làm cho giá thành hàng hoá Việt Nam kém cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế, giảm sự hấp dẫn trong đầu tư…”

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận hướng tới mục tiêu: tự chủ trong việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt bao gồm đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô và đường sắt quốc gia; phân tích các tồn tại, bất cập hiện nay trong việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam để đưa ra các giải pháp gỡ bỏ vướng mắc; đánh giá năng lực các doanh nghiệp cơ khí, chiến lược phát triển cơ khí trong việc tham gia vào Chương trình phát triển đường sắt Việt Nam; xác định các hạng mục công việc chính trong việc xây dựng các hệ thống đường sắt, đánh giá khả năng nội địa hoá các hạng mục cũng như đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết cho việc nội địa hoá…

tskh-phan-xuan-dung-pld-1702954705.jpg
TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Theo TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhận định, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng cho việc phát triển các ngành công nghiệp khác, là then chốt cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là bệ phóng cho công nghiệp 4.0. Thực tế đã chỉ ra, trên thế giới các quốc gia thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá đều phải có ngành cơ khí mạnh.

TS. Đỗ Hữu Hào cũng chỉ ra rằng: “Với các nước công nghiệp hoá sớm, lúc đó họ làm dễ hơn ta nhiều vì chưa hội nhập kinh tế quốc tế nên có thể áp dụng mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà không bị ngăn cấm. Việt Nam là nước đi sau nên khó hơn nhiều, Nhà nước bây giờ không thể hỗ trợ trực tiếp vốn cho các doanh nghiệp cũng không thể chỉ định thầu các gói thầu quốc tế cho doanh nghiệp trong nước… Vậy làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm các quy định của WTO?”

Từ thực trạng trên, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Nhà nước phải tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các luật và văn bản dưới luật; Chính phủ sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước; Có quy định mới về tài chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính trong nước; Nhà nước tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; Bản thân các doanh nghiệp không nên tự đầu tư khép kín, thiếu liên kết, đầu tư chồng chéo mà phải theo hướng “chuyên môn hoá sâu, hợp tác hoá rộng”…

ts-do-huu-hao-pld-1702954705.jpg
TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) khẳng định: “Việc xây dựng một cơ chế chính sách nhằm làm chủ công nghệ thiết bị giao thông đường sắt là việc rất cần thiết và cấp bách, vì điều đó không những phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển của đất nước mà còn giúp chúng ta kiểm soát được chi phí đầu tư dự án một cách hiệu quả, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các đơn vị cơ khí trong nước, giảm nhập siêu, tạo động lực phát triển và đột phá cho nền kinh tế ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng.”

Đồng quan điểm, ông Hoàng Năng Khang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhấn mạnh, việc tạo ra cơ chế thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Đây là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

“Bài học kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy vai trò của Chính phủ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thành công của quá trình phát triển. Việt Nam cũng cần học tập những kinh nghiệm quý báu đó, mà trước tiên là cần xây dựng những tiêu chí, nguyên tắc nhất quán trong việc lựa chọn nhà thầu với những điều kiện ràng buộc cụ thể trong việc chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực để làm cơ sở thương thảo lựa chọn. Cùng với đó là việc thành lập những cơ sở chuyên sâu nghiên cứu về đường sắt như Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt cũng rất cần thiết”, ông Khang cho biết thêm.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/phat-huy-noi-luc-cua-cac-doanh-nghiep-co-khi-trong-tien-trinh-phat-trien-he-thong-duong-sat-viet-nam-a12068.html