Ngày 16/12 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ Trao giải thưởng văn nghệ dân gian năm 2023. Trong số 60 công trình được vào vòng chung khảo có: 20 công trình thuộc chuyên ngành Ngữ văn và lý luận văn hoá dân gian, 25 công trình thuộc chuyên ngành Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hoá dân gian, 3 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn dân gian, 2 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc dân gian, 10 công trình thuộc chuyên ngành Văn hoá ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian.
So với năm 2022, năm nay số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở cả 5 chuyên ngành, trên cả 2 lĩnh vực: điều tra sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu. Đặc biệt, các công trình sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ. Điều này, một mặt rất quan trọng với công tác nghiên cứu, phát huy những di sản văn hoá trong nền văn hoá đa dân tộc Việt Nam, nhưng mặt khác cũng khẳng định năng lực tiếp cận ngôn ngữ các dân tộc ít người của đội ngũ những nhà điều tra sưu tầm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, số lượng công trình dự giải tăng trong hoàn cảnh dịch bệnh mới được khống chế, những quy định về giãn cách xã hội mới được xoá bỏ,… chứng tỏ tinh thần làm việc hết mình của các hội viên.
Để có thể khai thác được nhiều, chính xác các di sản văn hoá dân gian, các hội viên phải đến tận nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc trên cả nước, cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của họ - kể cả những sinh hoạt văn hoá tâm linh… để điều tra, sưu tầm, khảo cứu mới có được nhiều công trình gửi về Hội dự giải năm nay.
Sau khi nghe các chuyên gia thẩm định, trình bày đánh giá từng công trình, Hội đồng chuyên ngành thống nhất trao 1 giải nhì A (không có giải nhất), 2 giải nhì B, 9 giải ba A, 15 giải ba B, 14 giải khuyến khích, 9 tặng phẩm. Như vậy sau 6 năm, kể từ lần gần nhất vào năm 2017, giải thưởng văn nghệ dân gian không có giải nhất.
Tác phẩm đoạt giải nhì A năm nay là công trình “Giông thử tài”, song ngữ Việt-Bahnar do hội viên Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa. Công trình dày 576 trang, khổ A4, với độ dài 601 phút 31 giây diễn xướng. Ngoài ra, giải nhì B với công trình sử thi Bahnar “Chàng Hơ Dang làm vòng” cũng do Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm và biên soạn, A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch.
Một công trình đạt giải nhì B khác là “Thủ tục tang ma và những bài ca chỉ đường của các ngành Mông Xanh, Mông Trắng và Mông Đỏ tỉnh Điện Biên” do tác giả Chu Thùy Liên thực hiện. Công trình có dung lượng hơn 500 trang của một tác giả nữ người dân tộc Hà Nhì; chị đã bỏ nhiều công sức để điều tra, sưu tầm, biên soạn trong nhiều năm và được hoàn thành vào năm 2023.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức mừng thọ 39 hội viên cao tuổi; phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian tới bà Nguyễn Thị Nhỡ và ông Phùng Hữu Sửu (Câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian, xã Phong Châu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hành và truyền dạy chèo cổ.
Hạ Anh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/60-cong-trinh-doat-giai-thuong-van-nghe-dan-gian-nam-2023-a12046.html