Hệ thống vận tải trong đại dịch

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, mà giao thông vận tải là mắt xích quan trọng, trong đại dịch có thể còn nguy hại hơn chính bản thân đại dịch đó.

Đại dịch được định nghĩa là một bệnh dịch tễ lây lan nhanh chóng từ người sang người ở một khu vực lớn, thậm chí toàn cầu. Có khoảng 1,500 vi sinh vật được biết đến là nguồn gây bệnh cho người. Một số trong đó có nguy cơ gây ra đại dịch. Virus cúm được coi là mầm bệnh nguy hiểm vì khả năng đột biến và dễ lây qua đường hô hấp. Thông thường, tác động của cúm khá nhẹ nhàng và hầu hết người nhiễm có thể tự khỏi bệnh mà không cần can thiệp y tế.

Tuy nhiên, theo ước tính, mỗi năm có từ 1 đến 1,5 triệu người tử vong vì cúm và biến chứng liên quan.

Trong lịch sử, đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 là nghiêm trọng nhất, với 30% dân số toàn cầu nhiễm bệnh và khoảng 50-100 triệu người tử vong. Một trong những yếu tố khiến virus cúm Tây Ban Nha lây lan nhanh chóng khắp nơi là sự phát triển của hệ thống giao thông toàn cầu vào đầu thế kỷ 20. Virus này từ các nhà ga và bến cảng lây lan khắp thế giới qua các nhân viên và hành khách.

Ngày nay, vận tốc giao thông càng lớn, dịch bệnh lây lan càng nhanh, vùng ảnh hưởng càng rộng, nhất là với sự tiện lợi và phổ biến của vận tải hàng không. Bằng chứng rõ ràng nhất là dịch SARS 2002-2003, cúm gia cầm H1N1 năm 2009 và virus Corona 2019-2020.

Số ngày cần để đi vòng quanh thế giới qua các năm
Số ngày cần để đi vòng quanh thế giới qua các năm

Do vậy, đối với đại dịch, giao thông vận tải đóng vai trò như một vector (trung gian truyền nhiễm) cực kỳ hiệu quả. Giao thông càng ngày càng nhanh chóng và phổ biến dẫn đến việc khuếch tán mầm bệnh cũng càng nhanh và rộng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể loại trừ vector này vì việc đình trệ giao thông sẽ dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng thiết yếu, điều vô cùng nguy hại trong bối cảnh dịch bệnh.

Hiệu quả của giao thông vận tải càng cao, dịch bệnh lây lan càng nhanh và rộng.

Từ quan điểm dịch tễ học, có thể xem giao thông vận tải là một vector - trung gian truyền nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là ở hệ thống vận tải hành khách. Sân bay và nhà ga đông người là nơi gia tăng rủi ro phơi nhiễm với virus. Mạng lưới đường bay và đường ray dày đặc chính là con đường phát tán của mầm bệnh.

Trong quá khứ, vận tốc di chuyển thấp cho chúng ta đủ thời gian để xác nhận người nào nhiễm bệnh nhân thông qua các triệu chứng biểu hiện. Do vậy, có thể cách ly các con tàu (phương tiện vận tải đường xa phổ biến nhất) để ngăn chặn dịch bệnh.

Ngày nay thì khác, thời gian di chuyển, thậm chí cả các chặng dài nhất, còn ngắn hơn thời gian ủ bệnh của nhiều chủng virus cúm. Thời gian ủ bệnh cho một loại virus cúm trung bình là 2-7 ngày, một người mang trong mình virus có dư thời gian để đi đến bờ kia đại dương trước khi có triệu chứng bệnh.

Thậm chí, khi triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân còn trải qua “giai đoạn phủ nhận”, tiếp tục di chuyển nhiều nơi, đặc biệt nếu cần về nhà. Họ có thể hủy chuyến du lịch nước ngoài nhưng sẽ làm mọi cách, kể cả phá luật phong tỏa, để được về nhà. Trước khi quan chức y tế nhận thấy rõ nguy cơ bùng phát, mầm bệnh có thể đã khuếch tán khắp nơi trên thế giới.

Do đó, hệ thống giao thông vận tải càng hiệu quả thì bệnh dịch càng lây lan nhanh và rộng, đặc biệt trong giai đoạn đầu (10 ngày đầu tiên) khi chưa rõ bùng phát, dẫn đến nguy cơ phát triển thành đại dịch. Ở vài trường hợp, vận tốc hệ thống giao thông quốc tế còn nhanh hơn giao thông địa phương, khiến nảy sinh một nghịch lý là virus có thể lây lan ở cấp độ toàn cầu nhanh hơn ở một quốc gia.

Đầu năm 2020, dịch virus COVID-19 đánh dấu tác động của giao thông vận tải trong việc lây lan nhanh chóng dịch bệnh, cụ thể:

-Bệnh dịch xảy ra đúng thời điểm Tết nguyên đán, thời điểm nhu cầu di chuyển của người dân cao nhất trong năm.

-Sự phát triển của hàng không nội địa và đường sắt cao tốc ở Trung Quốc.

-Số lượng người dân Trung Quốc du lịch hoặc công tác nước ngoài tăng cao.

-Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ nhì thế giới trong ngành công nghiệp du thuyền.

Khi bệnh dịch đã bùng phát, một phần hoặc toàn bộ ngành vận tải hành khách toàn cầu, như tàu hỏa và hàng không, có thể nhanh chóng tạm ngừng hoạt động, hoặc bị chính phủ buộc ngưng, hoặc do khách hàng không muốn rủi ro lây bệnh.

Trong dịch COVID-19, với vai trò là đầu mối giao thông vận tải, Vũ Hán (nơi khởi phát dịch) và nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã bị phong tỏa và phần lớn hệ thống hàng không dân sự tạm dừng hoạt động. Nhiều hãng bay quốc tế đã hủy chuyến bay đến hầu như tất cả các thành phố ở Trung Quốc.

Mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giữa bối cảnh dịch bệnh

Mặc dù phong tỏa giao thông là cách hữu hiện để đối phó với dịch bệnh, hoạt động kinh tế hiện đại không thể duy trì mà không có sự phân phối thức ăn, nhiên liệu, điện năng và các nguồn lực khác.

Đến giữa thế kỷ 20, toàn cầu hóa đã thay đổi cách thức phân phối hàng hóa trên thế giới. Quy mô sản xuất, vận chuyển và bán lẻ toàn cầu bắt đầu lấn át sự phân phối hàng hóa cấp quốc gia hoặc khu vực.

Nền kinh tế toàn cầu ưu tiên tận dụng lợi ích so sánh và việc quản lý chặt chuỗi cung ứng.

Vì sự thường xuyên, tốc độ và độ tin cậy của các chuyến chở hàng ở hoàn cảnh thông thường, các cơ sở sản xuất được chuyển đến những địa điểm có chi phí thấp hơn.

Vì chi phí vận chuyển thấp hơn chi phí quản lý lưu kho, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thứ cấp chọn hệ thống lưu kho “vừa kịp thời”, hàng lưu kho được chuyển đến khi hàng bán được chuyển đi. Ở nơi sản xuất, hàng lưu kho cũng được giữ ở mức tối thiểu. Hầu như không có hàng sản xuất dư.

Do vậy, hệ thống giao thông vận tải chính là mắt xích quan trọng, kết nối các điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tầm quan trọng này có thể là nguy cơ khiến đại dịch tiếp theo trở nên nguy hiểm hơn trong quá khứ. Gián đoạn trong chuỗi cung ứng do giao thông vận tải đình trệ, sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực sau:

-Thực phẩm: trong tình hình dịch bệnh, nguồn cung thực phẩm nhanh chóng bị rút cạn do hành vi tích trữ hàng. Nếu không đảm bảo được nhu cầu tăng cao của vận chuyển thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, lưu trữ và nhà bán lẻ, an ninh lương thực sẽ bị ảnh hưởng.

-Năng lượng: Việc phong tỏa hoặc hạn chế vận tải hành khách có thể dẫn đến thiếu nhân lực làm việc trong lĩnh vực này trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và giảm khả năng vận chuyển cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện. Từ đó, ảnh hưởng đến cung cấp và phân phối năng lượng để vận hành cỗ máy kinh tế và hoạt động xã hội hiện đại.

-Nguồn cung y tế: việc sản xuất các nguồn cung y tế (thiết bị y tế, dược phẩm) trên thế giới do số nhỏ các tập đoàn lớn kiểm soát, và được duy trì ở mức giới hạn tại một số ít cơ sở sản xuất. Nếu hệ thống phân phối dược phẩm toàn cầu bị ảnh hưởng do hạn chế giao thông, người bệnh khó tiếp cận được các loại thuốc cần thiết trong khi thuốc trữ dự phòng ở các cơ sở y tế nhanh chóng cạn kiệt, tương tự như các thiết bị y tế như máy thở, thậm chí cả khẩu trang y tế.

Tóm lại, các đặc trưng của chuỗi cung ứng với giao thông vận tải là mắt xích trọng yếu, được dự đoán sẽ làm phức tạp thêm tác động của đại dịch do sự cạn kiệt nhanh chóng nguồn thực phẩm, năng lượng và dược phẩm hiện có, và không có nguồn thay thế ngay lập tức. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch có thể còn nguy hại hơn chính bản thân đại dịch đó.

Bảo vệ mắt xích trọng yếu trong đại dịch

Nhiều kế hoạch ứng phó đại dịch không tính đến tầm quan trọng và hậu quả xảy đến cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Những kế hoạch này được thiết kế dựa trên nhận định rằng các nền kinh tế quốc gia có khả năng tự cung tự cấp. Nhưng sự thật về địa lý và chức năng của nền kinh tế toàn cầu khác hẳn nhận định này. Như đã phân tích ở trên, đứt gãy dây chuyền trong hệ thống vận tải hàng hóa và các chuỗi cung ứng chiến lược có thể làm trầm trọng thêm các khó khăn để duy trì kết nối xã hội và hạ tầng quan trọng trong đại dịch.

Do vậy, cần dành mức ưu tiên cao nhất cho các nhân viên ngành giao thông vận tải trong đại dịch bao gồm việc cung cấp vaccine, thuốc trị virus, can thiệp y tế và chăm sóc sức khỏe. Vì họ phải di chuyển giữa biên giới các quốc gia hoặc khu vực, nên các nhà chức trách trung ương và địa phương, bộ ngành, tổ chức, và các bên liên quan đều có thể cung cấp sự hỗ trợ này.

Hạ tầng giao thông trọng yếu và những khu vực xung quanh cũng cần được bảo vệ để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống và hoạt động kinh tế.

Ngành vận tải biển quốc tế, với vai trò hỗ trợ phân phối hàng thiết yếu (thực phẩm và năng lượng) cần chuẩn bị thiết lập lực lượng ứng phó ở vùng biển quốc tế để nhanh chóng cung cấp vaccine, thuốc trị virus và các hỗ trợ y tế khác cho các tàu thuyền đa quốc gia tại các điểm nút giao thông trên biển. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Tổ chức Hàng hải Quốc tế hoặc Sáng kiến Đối tác Hàng hải Toàn cầu có thể đưa ra các khung tổ chức ứng phó đại dịch nhằm bảo vệ thương mại toàn cầu.

Theo Transport Geography

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/he-thong-van-tai-trong-dai-dich-a1195.html