Góc nhìn chuyên gia: Làm sao giải quyết bài toán làm du lịch kiểu mùa vụ?

Du lịch Quảng Bình hay du lịch cả Miền Trung đều mang tính mùa vụ rất cao. Mùa hè thì địa phương như Quảng Bình luôn trong tình trạng khách ùn về, khiến khách sạn khan hiếm phòng, nhà hàng đón đoàn tour thì chật khách… Còn mùa Đông, với đặc thù là vùng đất chịu nhiều khắc nghiệt của thời tiết, nên lượng khách Quảng Bình sụt giảm một cách rõ rệt, nhà hàng khách sạn, điểm đến, vận tải đìu hiu “cảnh chợ chiều”...

Trong thời gian qua, tin vui đối với du lịch Quảng Bình là có Bang Onsen Spa & Resort là suối nước nóng và kết hợp với nghỉ dưỡng, được khai trương vào tháng 8/2023. Nơi đây là tổ hợp nghỉ dưỡng của Tập Đoàn Trường Thịnh đưa vào khai thác với kỳ vọng của ngành du lịch sẽ giải quyết một phần mùa vụ của du lịch nơi đây. Con số mùa Bang Onsen Spa & Resort báo báo là gần 8.000 khách lưu trú, chưa kể khách đến tham quan và hưởng thụ các dịch vụ ở đây.

Vào đầu tháng 11/2023, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã vinh danh Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là một trong những “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023” và là làng duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này. Với địa thế đặc trưng, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày liền. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”.

Những năm trở lại đây, người dân Tân Hóa đã tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng thời tiết với các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng.

tan-hoa-village-5-1701650112.jpg
Vẻ đẹp thiên nhiên của Quảng Bình nhận được nhiều sự yêu thích của du khách.

Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm, lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn. Đồng thời, các hoạt động du lịch cũng thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.

Với 2 địa điểm “hót” trên, du lịch tỉnh Quảng Bình phần nào khắc phục điểm đến mang tính mùa vụ. Tuy nhiên, làm sao để xóa du lịch mùa vụ, khai thác được các sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu là điều đáng bàn.

Tuy nhiên, với hai điểm đến trên không thể gọi là khắc phục tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình. Muốn khắc phục tính thời vụ, thì du lịch Quảng Bình cần nhìn nhận một cách thực tiễn và nghiêm túc nhất, không trông trông chờ thụ động, đỗ lỗi cho câu chuyện thời tiết.

suoi-bang-quang-binh-2-1701559419.jpg
Tắm suối nước nóng Bang, một dịch vụ du lịch mới và hấp dẫn ở Quảng Bình.

Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Nụ cười Mới Hà Nội chia sẻ, du lịch Quảng Bình cần năng động hơn, ví như các điểm đến cần hạ giá và có cách tiếp thị kích cầu bài bản hơn. Thời điểm hết mùa khách đoàn thì đến mùa khách học sinh, sinh viên đi thực tế, các điểm đến, cùng các nhà hàng, khách sạn nên có cách làm nhanh nhạy chào hàng ngay để các công ty định hướng cho khách.

“Nhưng theo tôi, cách làm này các doanh nghiệp Quảng Bình phải chuẩn bị ngay từ những ngày đầu trong năm. Đó là có chiến lược cụ thể, hoạch định rõ ràng phân khúc thị trường và thị phần của mình. Cách đó cũng phần nào giải quyết tính mùa vụ cho Quảng Bình”, ông Cường cho hay.

du-lich-quang-binh-quang-ba-am-thuc-1701650925.jpg
Quảng Bình cũng thường xuyên quảng bá ẩm thực để thu hút khách du lịch. Đồng thời để du khách hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây.

Chuyên gia về du lịch Thiện Nguyễn đưa ra quan điểm: “Du lịch Quảng Bình nên nhìn nhận lại để giải bài toán mùa vụ, như mùa gì, có vụ gì, thì có hoạt động gì và ở đâu? Mùa nào nên tham gia du lịch cộng đồng? Mùa nào thám hiểm hang động?... Tôi tin, sẽ luôn có phân khúc khách hàng, quan tâm từng sản phản phẩm, loại hình du lịch thích hợp nào đó. Và khi làm truyền thông, nhóm khách hàng sẽ tìm đến. Ví như, nói sản phẩm du lịch mùa thu đông là sản phẩm gì? Cần tên gọi sản phẩm sao cho đặt trưng. Cụ thể, như về Quảng Bình mùa Thu Đông thì đi đâu? Bên cạnh đó là việc “bắt tay” của các doanh nghiệp địa phương.

Tôi nghĩ, cái khó là việc bắt tay nhau của các đơn vị tại địa phương. Dịch vụ cùng “bắt tay” hỗ trợ giá cho doanh nghiệp lữ hành địa phương, thì sẽ tạo sức cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bài toán, giá tốt, truyền thông, xúc tiến mạnh thì sẽ tạo sức hút lớn. Bên cạnh đó, việc các công ty lữ hành và điểm đến thống nhất với nhau xem mùa đó thì xây dựng tour, cùng truyền thông, đưa các gói combo, có chính sách gì để kích cầu...”

Theo ông Nguyễn Tuấn Vũ, Phó Giám đốc Bang Onsen Spa & Resort, tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình nó không còn là “đặc trưng” khi được nhìn thấy dưới góc độ thời tiết thuần túy, mà nó đã ăn vào máu của con người làm du lịch nơi đây. Một mùa làm, một mùa nghỉ. Một mùa tuyển quân, một mùa thải quân. Một mùa đầu tư, một mùa đắp chiếu. Nếu không nhìn ra và khắc phục, du lịch Quảng Bình mãi bị phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi đó, hiển nhiên lao động không xem du lich là một nghề sống được.

“Tôi tin, không chỉ 1, 2 điểm như Bang Onsen Spa & Resort hay Tân Hóa mà còn nhiều nhà đầu tư đang khởi động. Quảng Bình chỉ nghĩ là đến, không phải nghĩ phải tìm gì, và đưa ra giải pháp gì....”, ông Vũ cho hay.

dong-phong-nha-ke-bang-dep-den-choang-ngop-1701648018.jpeg
 
phong-nha-anh-1701648128.jpg
Vẻ đẹp của Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Theo chuyên gia du lịch Hoàng Bùi, chính xác thì các tỉnh thành ven biển từ Nha Trang ra đến Quảng Ninh thì nơi nào cũng có mưa bão, lũ, biến đổi khí hậu không phân định ranh giới tỉnh. Tuy nhiên, phải biết thích ứng và tạo các sản phẩm thích ứng. Quảng Bình hiện nay phần lớn các sản phẩm dựa vào các giá trị tự nhiên để xây dựng và khai thác nên chỉ cần bão, lũ là phải dừng.

“Việc bây giờ, lữ hành và điểm đến cần thống nhất với nhau xem mùa đó thì xây dựng tour bao gồm những điểm đến nào. Cùng truyền thông, đưa các gói combo, có chính sách gì...Bên cạnh đó, chính sách định hướng truyền thông và truyền thông các sản phẩm có thể trải nghiệm mùa Đông Xuân. Truyền thông cũng không nên “làm quá”, suốt ngày đưa tin bão lũ... với tâm lý e ngại thì khách nào dám đến Quảng Bình”, ông Bùi nói.

Cũng theo ông Hoàng Bùi, du lịch Quảng Bình hiện tại đang dựa vào thiên nhiên, cần sự giúp sức của cơ quan chức năng như định hướng truyền thông, định hướng sản phẩm mùa vụ, bên cạnh đó cần làm bà mối để có cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để đưa ra sản phẩm thích hợp, tránh tình trạng chờ thời và trông chờ vào thời tiết....

Đinh Loan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/goc-nhin-chuyen-gia-lam-sao-giai-quyet-bai-toan-lam-du-lich-kieu-mua-vu-a11945.html