Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Trung tâm Thông tin Xúc tiến - Cánh tay nối dài của du lịch Quảng Bình

Những năm gần đây, lượng du khách truy cập để tìm kiếm các cụm từ: Du lịch Quảng Bình, Phong Nha Quảng Quảng Bình, Sơn Đoòng Quảng Bình....được cộng đồng nhắc tới với một sự ưu ái dành cho ngành du lịch Quảng Bình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình để hiểu hơn về du lịch Quảng Bình vối những bước xây dựng, định vị thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam

PV: Thưa bà, trong những năm qua, du lịch Quảng Bình được bạn bè trong nước và quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, Quảng Bình đã được Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà phê duyệt với định vị trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam và Trung tâm du lịch mạo hiểm Châu Á. Vậy với vai trò của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình, thời gian qua đơn vị đã có vai trò và hoạt động gì nổi bật trong hoạt động xúc tiến?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Với sứ mệnh mang hình ảnh của du lịch Quảng Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế - Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách. Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Du lịch Quảng Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình thực hiện các công việc được giao về thông tin, quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ khách du lịch, góp phần vào công tác của Sở Du lịch trong việc thúc đấy phát triển ngành du lịch của tỉnh trong thời gian qua.

Trung tâm đã tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển các kênh quảng bá du lịch Quảng Bình trên các nền tảng số, góp phần duy trì được kết nối thường xuyên, liên tục giữa khách du lịch với du lịch Quảng Bình.

Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Bình đến các doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế với nhiều phương thức đa dạng. Trung tâm cũng thực hiện nhiều nội dung quảng bá phong phú thông qua các hội chợ du lịch, hội nghị xúc tiến đầu tư, các kênh thông tin đối ngoại của tỉnh, các chương trình, sự kiện văn hóa thể thao du lịch của Quảng Bình, các tỉnh thành phố trong cả nước và một số thị trường nước ngoài.

z4934148272306-c5359d4c2653987a38edb8ba18e44053-1701498644.jpg
Bà  Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du lịch Quảng Bình.

PV: Những năm gần đây, Quảng Bình ngày càng trở thành điểm “hot” của các du khách? Việc tỉnh xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, điều này đã giúp các DN làm du lịch mạnh dạn hơn, có nhiều phương án thu hút du khách hơn?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Được mệnh danh là “Vương quốc hang động” nơi tiềm ẩn nhiều điều mới lạ và hấp dẫn như Hang Phong Nha, Hang Tiên Sơn, Hang Tối, Hang E, Hang Vòm, hang Thung… Đặc biệt là động Phong Nha thực sự nổi bật với chiều dài khảo sát gần 8 km, chủ yếu là sông ngầm và được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: Có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất. Tháng 5/2009, Hội hang động Hoàng Gia Anh đã khảo sát và phát hiện ra Hang Sơn Đoòng, được đánh giá là một trong những hang động đẹp, có chiều cao và chiều rộng lớn nhất thế giới. Đồng thời, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là 1 trong 10 địa danh được xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trong cả nước. Tại xã Tân hoá (huyện Minh Hoá), vào năm 2009 đã phát hiện 03 hang động mới được đánh giá tuyệt đẹp là Hang Tố Mộ Nhỏ, Hang Tố Mộ Lớn và Hang Tú Làn.

Thêm nữa, Quảng Bình còn có nhiều cảnh quan hấp dẫn du lịch như vùng Đèo Ngang - Hoành Sơn, Đèo Lý Hoà; suối nước khoáng nóng Bang với nhiệt độ trên 1050 C tại lỗ phun, thích hợp với hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh; Bàu Tró, phá Hạc Hải…

Quảng Bình có bờ biển dài 116 km từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, với những đồi cát trắng, những rừng phi lao ven biển, những bãi tắm đẹp, bãi cát bằng phẳng, nước sạch và không khí trong lành, dài từ 3 – 7 km có sức chứa tới hàng vạn khách du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển, có giá trị để phát triển thành các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, có sức cạnh tranh cao. Tiêu biểu là: Nhật Lệ - Quang Phú, Mỹ Cảnh - Bảo Ninh, Lý Hoà – Đá Nhảy, Hải Ninh Ngư Hoà…. Cùng với những bãi biển đẹp, Quảng Bình còn có 4 con sông lớn: Sông Roòn, sông Gianh, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Có vịnh nước sâu Hòn La có độ sâu 15m, xung quanh có nhiều đảo nhỏ như Hòn Nồm, Hòn Chùa, Hòn Cọ, Đảo Chim và bãi san hô trắng rộng hàng nghìn hecta ở phía Bắc, có nhiều giá trị cao đối với phát triển du lịch… Toàn tỉnh hiện có 126 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 54 di tích quốc gia, 18 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước những lợi thế như vậy, những doanh nghiệp làm du lịch như chúng tôi bắt đầu có những “sản phẩm du lịch chất lượng cao”: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái tiếp tục phát triển và đem lại hiệu quả cao. Du lịch văn hóa - lịch sử khẳng định được vị thế, một số điểm du lịch văn hóa tâm linh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan; du lịch sinh thái phát triển với mô hình khá đa dạng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn; du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tuy đang trong quá trình hình thành và phát triển nhưng đã góp phần đáng kể vào việc tạo dựng hình ảnh mới cho tỉnh Quảng Bình.

Với những lợi thế và nhìn được tiềm năng, chính vì vậy nhiều DN du lịch đã tập trung về Quảng Bình cùng nhiều dự án, đặc biệt là các dự án về lưu trú. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

z4934148402607-7e7e5453be665af1d57b6e5669c8d42e-1701498647.jpg
Du lịch Quảng Bình đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách.

Pv: Thưa bà, với những lợi thế mà du lịch Quảng Bình sẵn có, hứa hẹn luôn là điểm “hót” trong mùa hè, nhưng bên cạnh đó thiệt thòi cho du lịch Quảng Bình là mang tính mùa vụ quá cao? Vậy theo bà, cần có chính sách kích cầu gì cho giai đoạn thấp điểm?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Bàn về vấn đề mùa vụ, chúng tôi những người làm du lịch luôn “đau đầu”, nhưng trên quan điểm cá nhân của riêng tôi mỗi doanh nghiệp nên có động thái tích cực như hạ giá vé tham quan hang động, rồi các dịch vụ phụ trợ như khách sạn, xe… để thu hút nguồn khách hội thảo, học tập đến trong mùa thấp điểm. Đẩy mạnh du lịch lịch sử…, tìm nguồn khách bền vững từ các nước Đông Nam Á; Khai thác tuyến bay kết nối cùng các điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước…Tuy nhiên, đó là kế hoạch dài hơi của nhiều doanh nghiệp và của tỉnh, còn sắp tới chúng tôi đang hy vọng thu hút nguồn khách nghỉ dưỡng trong mùa Đông sắp tới, khi khu nghỉ dưỡng Nước khoáng Bang vào khai thác.

PV: Theo bà, các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình, trong tương lai những người làm du lịch cần có động thái tích cực gì để đưa thương hiệu du lịch của tỉnh “hót”trên bản đồ du lịch của thế giới?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc, khẳng định là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á. Du lịch Quảng Bình, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Bên cạnh đó, phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá văn hóa - lịch sử. Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế, tiếp tục thu hút khách, mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu và Liên bang Nga... Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư.

Xây dựng văn hóa du lịch để mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên; đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch, xây dựng du lịch thông minh, đô thị thông minh...

anh-chup-man-hinh-2023-05-07-luc-061229-1683414821-1701498763.png
Sông Gianh gắn với câu chuyện kể lịch sử đôi bờ phân tranh.

PV: Thưa bà, với người làm du lịch, famtrip từ lâu được coi là hình thức du lịch đầy tính thâm nhập thực tế, mang đến cơ hội cho đoàn tham quan và cả địa điểm đón đoàn, Quảng Bình đã “đi tắt đón đầu” với cơ hội này thế nào?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Famtrip là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trong ngành du lịch, là hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị cho các hãng lữ hành tới một hay nhiều điểm du lịch của một địa phương, từ đó lựa chọn, kết nối các sản phẩm du lịch… đó là cơ hội quảng bá rẻ nhất cho các DN địa phương để kết nối điểm đến, phát triển thị trường sản phẩm. Thành viên các đoàn famtrip thường chủ động, nhạy bén, có khả năng phân tích, đánh giá điểm đến để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm. Hiệu quả thấy rõ từ các chuyến famtrip đã tạo động lực cho các DN du lịch xông xáo, chủ động trong việc kết nối với các đoàn famtrip để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Với quyết tâm cùng đưa du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nhiều DN cũng sẵn sàng hỗ trợ đón đoàn, chuẩn bị chu đáo để tạo ấn tượng trong con mắt đánh giá của những vị khách du lịch đặc biệt này.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Quảng Bình lại được đánh giá là một trong 7 tỉnh xếp hạng cao nhất trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI). Bên cạnh nhiều tour, tuyến nghỉ dưỡng ven biển, hay rừng núi như nhiều địa phương khác có, du lịch Quảng Bình đặc biệt có “viên kim cương xanh” Phong Nha-Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới mà trong đó có hang động kỳ vĩ của tạo hoá là Sơn Đoòng.

PV: Thưa bà, Quảng Bình nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng “Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Tại hội nghị liên kết, đại diện các doanh nghiệp vận tải hàng không, đường sắt, xe ôtô du lịch được tổ chức tại Hà Nội, tỉnh Quảng Bình đã công bố chính sách giảm giá kích cầu khá hấp dẫn. Các doanh nghiệp Quảng Bình cũng đưa ra các ưu đãi và cách tiếp cận chuyên nghiệp. Cách tiếp cận làm du lịch kiểu này đã mở ra một phương thức làm ăn mới, liên kết chặt chẽ hơn từ lữ hành, vận tải đến điểm tham quan, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ tiêu dùng khác.

Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cũng có bước chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác thử nghiệm, như: Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - hang Rục Mòn - hồ Yên Phú; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Arem - Ma Coong; khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới theo lộ trình mới, đạt hiệu quả tốt. Thực hiện khai thác thử nghiệm các sản phẩm du lịch: Khám phá hang Đại Ả - hang Over - hang Pygmy; hang Va - hang Nước Nứt; khám phá hang Vòm - giếng Voọc và những trải nghiệm khác biệt theo lộ trình mới... 

Quảng Bình nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng “Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”. Du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn là Google, IM Group, Digi Pencil để tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quảng bá, kinh doanh trên nền tảng số.

img-20230429-095927-1682737647-1701498645.jpeg
Lễ hội "Diễu hành đường phố" do Quảng Bình tổ chức vào tháng 4/2023 đã thu hút được rất  nhiều sự quan tâm.

Pv: Thưa bà, chúng tôi được biết làng Tân Hóa được đánh giá là làng du lịch tốt nhất thế giới, bà cho biết thêm về làng du lịch cộng đồng này?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Tân Hóa là một xã miền núi của huyện Minh Hóa, cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 8 km về phía Đông-Nam. Tân Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ cùng những nét văn hóa đặc sắc. Với địa thế đặc trưng, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày liền. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”.

Những năm trở lại đây, người dân Tân Hóa đã tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng thời tiết với các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng.

Sau khi đánh giá 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Tân Hóa cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững. Vào lúc 15 giờ ngày 19/10 (giờ địa phương), tại Samarkand, Uzbekistan, UNWTO đã vinh danh Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 và là làng duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này.

Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm, lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn. Đồng thời, các hoạt động du lịch cũng thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.

anh-chup-man-hinh-2023-12-02-luc-070553-1701475592.png
Làng du lịch Tân Hóa, Quảng Bình.

Thời gian tới, Làng du lịch Tân Hóa sẽ từng bước xây dựng để trở thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình tiêu biểu cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với điều kiện thời tiết, đây cũng là mô hình liên kết hiệu quả giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, hoàn thiện và đa dạng hoá các dịch vụ, trải nghiệm tại Tân Hoá nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế… Đây chính là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Quảng Bình trong việc tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu trên bản đồ thế giới, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt với sự đa dạng, độc đáo của tài nguyên, sản phẩm du lịch.

PV: Cảm ơn bà đã cùng chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị này.

Thanh Loan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ba-bui-thi-thanh-thuy-xuc-tien-canh-tay-noi-dai-cua-du-lich-quang-binh-a11938.html