Bộ GD&ĐT chốt phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 với 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn.

Cụ thể, phương án thi sẽ có 4 môn, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

bo-giao-duc-va-dao-tao-pld-1701276904.jpg
Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Thông tin tại buổi Họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau thời gian nghiêm túc, khẩn trương, công phu nghiên cứu phương án tổ chức thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, của nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

thu-truong-pham-ngoc-thuong-pld-1701276893.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, phương án thi được xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật của Nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT và cơ sở khoa học dựa trên mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tiếp tục kế thừa kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức kỳ thi từ các năm trước, đặc biệt là các năm 2021, 2022 và 2023.

Về môn tiếng Anh là môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến rộng rãi, thí sinh được quyền lựa chọn thi môn tiếng Anh theo nguyện vọng của mình. Quá trình học môn tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 là nền tảng quan trọng nhất để thí sinh cải tiến, nâng cao năng lực ngoại ngữ. GS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh thêm, quá trình dạy và học ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT quan tâm, lồng ghép trong đầu ra của sinh viên đại học.

Về mẫu đề thi chung, trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh và tiếp tục nghiên cứu lộ trình, điều kiện đảm bảo cho ngân hàng đề thi. Với môn Ngoại ngữ hiện mới chỉ dừng lại ở thi viết. Do đó, cần có điều kiện dạy và học, chuẩn bị đội ngũ trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện lộ trình.

ong-huynh-van-chuong-pld-1701276891.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, song song với việc chuẩn bị phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ GD&ĐT chuẩn bị từ sớm việc nghiên cứu cấu trúc định dạng, ngân hàng thi.

Hiểu được việc đề thi minh họa sẽ mang tính dẫn đường cho việc học của học sinh và công tác giảng dạy của các nhà trường, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc đề thi, sẽ công bố đề minh họa định dạng và cấu trúc mô phỏng theo định dạng cấu trúc của đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 (dự kiến thực hiện trong quý 4). Do học sinh sẽ tốt nghiệp năm 2025 mới đang học lớp 11 nên kiến thức trong đề minh họa có thể sử dụng của lớp 10 và lớp 11.

ong-nguyen-ngoc-ha-pld-1701276894.jpg
  Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Nguyễn Ngọc Hà.

Liên quan đến về quyền lợi với các thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 và dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ, quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua, trong đó, quy định những nguyên tắc chung trong tuyển sinh, không phụ thuộc vào hình thức hay nội dung thi. Vì vậy, thí sinh dù thi kỳ thi như thế nào vẫn được xét tuyển một cách công bằng.

“Các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh đầu vào theo chương trình của các cơ sở đào tạo và các trường cũng sẽ chủ động điều chỉnh nội dung thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, 100% các trường vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và kết hợp nhiều phương thức để xét tuyển nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức mà không cần tham dự kỳ thi riêng của các trường.” – Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bo-gdanddt-chot-phuong-an-to-chuc-ky-thi-va-xet-cong-nhan-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-tu-nam-2025-a11920.html