Đảng lãnh đạo xây dựng văn hóa và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển Vietcombank trở thành Ngân hàng số 1 Việt Nam

Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn nỗ lực vượt qua mọi thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm gần đây, Vietcombank đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, có tính đột phá và mang dấu ấn lịch sử.

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng: những thành quả đáng tự hào đó là kết tinh của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động; tầm nhìn, tư duy nhạy bén, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank; cùng với đó là sự tin tưởng, ủng hộ của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Đảng ủy Vietcombank đã khẳng định rõ vai trò toàn diện của Đảng trong ngân hàng cổ phần; lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp; Lãnh đạo của Đảng trong công tác chuyển đổi số; lãnh đạo của Đảng với Văn hóa và Chuyển đổi số, trong chiến lược phát triển Vietcombank trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

anh-hung-lao-dong-vcb-2023-1700819157.jpg

Xây dựng và đảm bảo vai trò toàn diện của Đảng trong doanh nghiệp cổ phần

Trong hơn 15 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến và đón nhận sự thay đổi vô cùng rõ rệt. Những năm đầu thế kỷ XXI, trong tổng số các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, số lượng các doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ lệ cao. Ở mọi lĩnh vực kinh tế có từ trọng điểm đến đơn giản đều có vai trò và vị trí của các doanh nghiệp Nhà nước. Ngay giữa lòng Hà Nội, mới đây thôi, người dân vẫn còn đi cắt tóc tại một doanh nghiệp Nhà nước chuyên cắt tóc nam, khách đến xếp hàng lấy số, cứ theo số thứ tự mà vào lượt thợ chứ không được chọn “tay kéo” mình ưng ý. Ví dụ nhỏ đó cho thấy doanh nghiệp Nhà nước đã “bao sân” quá sâu trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thậm chí đến cả những ngóc ngách nhỏ nhất không cần thiết đến “bàn tay điều hành” của Nhà nước.

Nhà nước nắm giữ số lượng quá lớn doanh nghiệp đã có lúc quá tải khiến cho nhiều doanh nghiệp Nhà nước muốn tăng vốn đều rất khó khăn do nguồn vốn của Nhà nước vẫn còn hạn chế, cơ chế vận hành có chỗ chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế. Các nguyên nhân đó cùng với muôn vàn lý do đã trở thành vật cản cho phát triển nền kinh tế. Đồng thời, nhận thấy cơ hội phát triển rất lớn từ tăng vốn, cạnh tranh, phát triển thị trường, tạo ra việc làm nhiều hơn nếu các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương vô cùng đúng đắn: Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Từ những năm 2003, Chủ trương cổ phần hóa đã bắt đầu tiến hành ở một số lĩnh vực kinh tế, riêng ngành Ngân hàng lại đặt ra các yêu cầu cần thận trọng hơn, cần có lộ trình và cần tiến hành thí điểm. Năm 2005, Vietcombank khi đó vẫn là Ngân hàng Thương mại Nhà nước với tên gọi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, vừa tái cơ cấu thành công giai đoạn 1, và đang là ngân hàng được hưởng trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Vietcombank có truyền thống tiên phong trong nhiều lĩnh vực được coi là “mới” của NHTM ở Việt Nam, như hoạt động thẻ, kinh doanh ngoại tệ, công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, Vietcombank được coi là có đội ngũ cán bộ, từ lãnh đạo đến nhân viên có khả năng hòa nhập cao, thông thạo ngoại ngữ, mạnh dạn đổi mới, có những đề xuất có giá trị lên NHNN. Thêm vào đó Vietcombank còn có uy tín không chỉ với khách hàng mà còn cả với những nhà quản lý, thông qua chất lượng phục vụ cũng như gương mẫu tuân thủ các cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính… Nếu được lựa chọn, cơ hội cổ phần hóa thành công là rất cao và sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các NHTM Nhà nước khác.

Và rồi Vietcombank có vinh hạnh được tuyển chọn là NHTM Nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa. Đường hướng cổ phần hóa của Vietcombank là có lộ trình, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chứ không thực hiện cổ phần hóa như các doanh nghiệp Nhà nước khác. Vào thời điểm của năm 2007, việc cổ phần hóa một NHTM Nhà nước là rất mới mẻ và Việt Nam chưa có tiền lệ cũng như kinh nghiệm. Đã có nhiều cuộc họp do Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ban lãnh đạo Vietcombank nhằm mục đích duy nhất là cổ phần hóa thành công Vietcombank. Ngay trong các cuộc họp quan trọng đó, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã nhìn thấy vấn đề cần xây dựng và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp cổ phần, và ngay chính trong Ngân hàng Thương mại cổ phần đó chính là Vietcombank.

Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và sự quyết tâm của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank, ngày 26/12/2007, Vietcombank đã thực hiện IPO thành công, đánh dấu một bước phát triển có tính chất bản lề của Vietcombank nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam). Tiếp tục thực hiện đúng lộ trình đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt, Vietcombank tiếp tục tìm kiếm Nhà đầu tư chiến lược, vào 30/9/2011, Vietcombank đã ký được thỏa thuận Nhà đầu tư chiến lược, theo đó, Vietcombank bán (theo 1 giao dịch riêng lẻ) trị giá 15% Vốn điều lệ sau phát hành cho MCB, với giá cao hơn 28% so với giá giao dịch cùng thời điểm tại HOSE. Trị giá của giao dịch là 567,3 triệu USD - là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến thời điểm đó và khoản M&A lớn nhất khu vực trong năm 2011.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, của Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Vietcombank và Ban lãnh đạo Vietcombank, cổ phần hóa Vietcombank đã thành công tốt đẹp, mở ra một chương hoàn toàn mới đối với một ngân hàng thương mại Nhà nước có tuổi đời gần 50 năm (tính năm 2011). Nhưng cũng từ đây, đặt ra một băn khoăn rất lớn và vô cùng nghiêm túc: Cần thiết phải xây dựng và đảm bảo vai trò toàn diện của Đảng trong ngân hàng thương mại cổ phần là Vietcombank. Đã có những Hội nghị, Hội thảo chuyên đề “Vai trò của Đảng trong các doanh nghiệp cổ phần” có đưa tin lên cả VTV1.

Thời điểm năm 2007, cả xã hội sôi sục cổ phần hóa, mua bán cổ phiếu đủ loại sôi động khắp các hang cùng ngõ hẻm. Các chuyên gia quốc tế đã đưa ra những nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển rất nóng và rất thiếu thông tin cũng như kinh nghiệm của thị trường. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa và cổ phiếu của họ được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường sôi động, kinh tế xã hội phát triển cũng là lúc có một bộ phận giới trẻ xuất hiện tư tưởng và quan niệm về “đồng tiền” là trên hết. Đã có nhiều bài báo, nhiều chuyên gia cảnh báo về hiện tượng thanh niên không muốn vào Đảng hoặc nhẹ hơn là thờ ơ với việc được kết nạp Đảng. Tư tưởng này có phần nhiều hơn trong các doanh nghiêp cổ phần. Nguyên nhân xuất phát từ suy nghĩ về doanh nghiệp cổ phần là ai nắm giữ cổ phần nhiều hơn thì người đó quyết định mọi chi phối của doanh nghiệp. Tư tưởng lệch lạc này có trong một bộ phận giới trẻ và có cả trong một bộ phận đảng viên, điều đó phần nào ảnh hưởng tới uy tín và vai trò của Đảng. Bởi rõ ràng, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhất nhưng vai trò của Đảng lại bị các tư tưởng lệch lạc xuyên tạc nhằm hạ uy tín.

Tại buổi làm việc giữa Chính phủ và Ban lãnh đạo Vietcombank khi thực hiện tiến trình cổ phần hóa, các đồng chí lãnh đạo Đảng đã chỉ ra rất rõ việc các doanh nghiệp cổ phần Nhà nước cần có công việc ổn định, thu nhập cao, môi trường làm việc tốt để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và cổ phần tư nhân khác. Đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng tại các doanh nghiệp cổ phần phải được khẳng định rõ.

Sau khi trở thành Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, hoạt động là một ngân hàng cổ phần có đối tác chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank đã xác định rất rõ vai trò dẫn dắt của Đảng và sự cần thiết phải xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh. Ban lãnh đạo Vietcombank xác định công tác xây dựng Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, thường xuyên, liên tục; là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tạo nền tảng vững chắc giúp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Đảng bộ Vietcombank luôn chú trọng thực hiện tốt vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo triển khai toàn diện các mặt công tác; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh; chú trọng công tác xây dựng Đảng đi đôi với chỉnh đốn Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo. Công tác xây dựng Đảng tại Vietcombank được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị tư tưởng; tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy theo đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước chi phối.

Vietcombank luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng và nâng cao năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, người lao động; không ngừng nâng cao niềm tin, lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống. Ðặc biệt, luôn trân trọng gìn giữ, kế thừa và bổ sung, phát triển các bản sắc văn hóa truyền thống Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân đã được hun đúc qua 60 năm của Vietcombank.

Với tinh thần tiên phong đổi mới và sáng tạo, xuyên suốt trong lịch sử phát triển và đặc biệt là trong 10 năm qua, Vietcombank đã luôn đi đầu trong việc đổi mới và áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt nhất, ưu tiên tăng cường đầu tư ngân sách và nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Vietcombank đã xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, bảo mật, bảo đảm hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, tạo cho ngân hàng vị thế vượt trội trên thị trường.

Xác định rõ tầm quan trọng của công cuộc xây dựng và đảm bảo vai trò toàn diện của Đảng trong ngân hàng thương mại cổ phần, Đảng ủy Vietcombank đã xây đựng Đảng bộ vững mạnh, lãnh đạo toàn diện Hệ thống Vietcombank hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Nhà nước dành được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng Đảng, hiệu quả kinh doanh, nộp thuế, môi trường làm việc tốt nhất, chất lượng nguồn nhân lực…

 

Với những thành tích xuất sắc toàn diện đã đạt được, Ðảng bộ Vietcombank liên tục được công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðảng bộ Vietcombank và nhiều tổ chức đảng trực thuộc, nhiều cán bộ, đảng viên đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý. Ngày 31/3/2023 vừa qua, tại Vietcombank đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng cho những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trong thời kỳ đổi mới. Danh hiệu cao quý này khẳng định rất rõ sự đúng đắn và hiệu quả của công tác xây dựng và đảm bảo vai trò toàn diện của Đảng trong Ngân hàng Thương mại cổ phần là Vietcombank.

Tăng cường sự lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng trong xây dựng và thực hiện văn hóa Vietcombank

Năm 2007, song song với quá trình cổ phần hóa, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank đã chỉ đạo soạn thảo Sổ tay văn hóa Vietcombank. Cổ phần hóa thành công cũng là lúc Vietcombank ban hành Sổ tay văn hóa Vietcombank. Ấn phẩm này thể hiện rõ Đảng ủy Vietcombank đã luôn trân trọng gìn giữ, kế thừa và bổ sung, phát triển 5 giá trị bản sắc văn hóa truyền thống: “Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân”.

Trải qua các thế hệ suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành của Vietcombank đã được hun đúc nên Văn hóa Vietcombank với 5 giá trị cốt lõi là Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn đã được Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Vietcombank xác định là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của Vietcombank. Hành trình phát triển 60 năm, trải qua nhiều thăng trầm, Vietcombank đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu làm hành trang để tiếp tục bứt phá, vươn xa, đón đầu xu thế phát triển mới, thực hiện thành công tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược.

Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao. Nhờ chiến lược phát triển đúng đắn với lộ trình phù hợp, Vietcombank hiện là ngân hàng có quy mô kinh doanh tăng trưởng cao nhất trong các tổ chức tín dụng Nhà nước, đứng đầu về lợi nhuận đồng thời có đóng góp lớn nhất cho Ngân sách nhà nước trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Uy tín, thương hiệu và hình ảnh của Vietcombank không ngừng được nâng cao. Những kết quả đó đạt được không chỉ nhờ chiến lược lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy, Ban lãnh đạo cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Vietcombank; mà còn nhờ truyền thống lịch sử và Văn hóa Vietcombank đã được xây dựng, giữ gìn, kế thừa và phát huy qua nhiều thế hệ.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ quan trọng đối với Vietcombank mà quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp, là giá trị cốt lõi, là nền tảng tinh thần, sức mạnh và là cơ sở cho phát triển bền vững. Ngày 28/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK). Để thực hiện thành công Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình của Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Vietcombank đã xây dựng Chương trình hành động số 31-CTHĐ/ĐU ngày 09/6/2023 về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương với 2 mục tiêu, 5 nhiệm vụ và giải pháp.

Đảng ủy Vietcombank đã xác định mục tiêu chung là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất nhận thức của các cấp ủy đảng và của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu, trong việc phát triển và thực hiện Văn hóa Vietcombank. Tích cực truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp của Vietcombank tới cộng đồng, góp phần xây dựng thương hiệu Vietcombank nhân văn, bền vững trường tồn cùng sự phát triển của đất nước. Với mục tiêu chung rõ ràng như vậy, Đảng ủy Vietcombank cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, trong đó chỉ rõ: 100% cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Vietcombank về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương. 100% cán bộ, đảng viên, người lao động cam kết thực hiện 5 giá trị, 10 hành vi văn hóa Vietcombank trong công việc và cuộc sống hằng ngày; thực hiện tốt “Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng”.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã xác định, Đảng ủy Vietcombank đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp: i) Nâng cao nhận thức về đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Văn hóa Vietcombank; ii) Xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế, quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động tại Vietcombank; iii) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank; iv) Bảo đảm các nguồn lực cho việc xây dựng và phát huy các giá trị Văn hóa Vietcombank; v) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Văn hóa Vietcombank. Tất cả 5 nhiệm vụ và giải pháp trên, Đảng ủy Vietcombank luôn đặt vai trò của Đảng ủy để thực hiện thành công. Xin trích dẫn:

i) Nâng cao nhận thức về đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Văn hóa Vietcombank: Đảng ủy Vietcombank xác định: “Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên, người lao động về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; các quan điểm của Đảng về văn hóa được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở.

ii) Xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế, quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động tại Vietcombank: Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung (nếu cần) các nội dung nêu trong cuốn Sổ tay Văn hóa Vietcombank và Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Vietcombank; đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động đều có Sổ tay Văn hóa Vietcombank; rà soát, bổ sung các tiêu chí văn hóa ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động vào các quy chế, quy định, điều lệ của Vietcombank.

iii) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank: Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người lao động cam kết thực hiện 5 giá trị, 10 hành vi văn hóa Vietcombank trong công việc và cuộc sống hằng ngày; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Công đoàn có những giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc chăm lo đời sống, việc làm, lợi ích cho người lao động; xây dựng Đoàn Thanh niên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, khơi dậy sự tự hào của lớp cán bộ trẻ; phát huy tốt hơn nữa vai trò của Đoàn trong huy động, tổ chức cho thanh niên xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì sự phát triển của Vietcombank.

iv) Bảo đảm các nguồn lực cho việc xây dựng và phát huy các giá trị Văn hóa Vietcombank: Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm lo lợi ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để tạo dựng đời sống tinh thần phong phú, vui tươi lành mạnh, tạo mối quan hệ thân thiết và học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị trong hệ thống Vietcombank. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện việc yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động tuân thủ các nội dung của Sổ tay Văn hóa Vietcombank, Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Vietcombank.

v) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Văn hóa Vietcombank: Các cấp ủy trực thuộc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Văn hóa Vietcombank của cán bộ, đảng viên, người lao động tại đơn vị. Nghiêm túc, kịp thời nhắc nhở, phê bình, xử lý kỷ luật cán bộ, Đảng viên, người lao động có hành vi vi phạm. Đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về xây dựng và thực hiện Văn hóa Vietcombank vào chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp hằng năm.

Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trên được triển khai thực hiện từ cấp Đảng ủy và các Ban tham mưu của Đảng ủy, tới Ban điều hành, các tổ chức đảng trực thuộc và các tổ chức đoàn thể.

Ngày 15/9/2023, Ban Thường vụ Đảng ủy Vietcombank cũng đã có Kết luận số 157-KL/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong xây dựng và thực hiện Văn hóa Vietcombank. Kết luận nêu rõ tình hình & nguyên nhân, mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ & giải pháp trọng tâm và tổ chức thực hiện. Kết luận nhấn mạnh Thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và Chương trình hành động số 31-CTHĐ/ĐU ngày 09/6/2023 của Đảng ủy Vietcombank về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và các Cấp ủy Đảng Vietcombank đã xây dựng thành công và thực hiện văn hóa Vietcombank, khẳng định tính đúng đắn của văn hóa doanh nghiệp và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Sự lãnh đạo của Đảng với công tác Chuyển đổi số của Vietcombank

Trong chương trình hành động số 31-CTHĐ/ĐU ngày 09/6/2023 của Đảng ủy Vietcombank đã xác định rõ nhiệm vụ: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn chặt với chuyển đổi số tại Vietcombank, văn hóa Vietcombank kiến tạo nền tảng tinh thần, tạo động lực và tăng cường sức mạnh nội sinh cho hành trình chuyển đổi số của Vietcombank nhằm nâng cao năng lực và tạo sự khác biệt trong cạnh tranh trên thị trường.  Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 339-NQ/ĐU ngày 01/7/2021 của Đảng ủy Vietcombank về “Chuyển đổi số của Vietcombank trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường các chương trình đào tạo và đẩy mạnh truyền thông trong thực thi văn hóa số tại Vietcombank. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về văn hóa doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa số phục vụ khách hàng cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống. Thấy rõ chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực: Chuyển đổi số trong công tác kinh doanh; Chuyển đổi số trong công tác Đảng, xây dựng cơ sở Cấp ủy Đảng; Chuyển đổi số trong bảo vệ hệ thống chính trị, tưởng của Đảng.

Đảng ủy Vietcombank đã nghiêm túc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến các Đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và chiến lược phát triển được phê duyệt trong từng thời kỳ. Đồng thời, Đảng ủy đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ, trong đó nổi bật là các Nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: Nghị quyết về khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Vietcombank; Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng tín dụng và tăng cường công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng tại Vietcombank giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về Chuyển đổi số của Vietcombank trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0; và Nghị quyết về xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Vietcombank trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số và trải nghiệm khách hàng đến năm 2025, Vietcombank đã và đang là một trong những ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam. Tháng 7/2020, Vietcombank triển khai ra thị trường nền tảng VCB Digibank đồng nhất từ thiết kế giao diện trên cả hai phiên bản Internet Banking và Mobile Banking, mang đến cho khách hàng trải nghiệm liền mạch. VCB Digibank đã đạt một số giải thưởng lớn như giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 dành cho hạng mục sản phẩm giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, ứng dụng ngân hàng số tốt nhất Việt Nam 2020 do The Asian Banker trao tặng; (ii) Năm 2021, Vietcombank ra mắt nền tảng số VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp, đối tượng SMEs, hộ kinh doanh gia đình. VCB Digibiz đạt giải thưởng Sao Khuê năm 2022 dành cho dịch vụ ngân hàng số; (iii) Nền tảng số Cashup từ khi chính thức triển khai vào năm 2021 luôn được đánh giá là hiện đại nhất trên thị trường cho khách hàng bán buôn; (iv) Tiếp tục đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại như eKYC, Smart OTP, tin nhắn OTT, QR Code cho các nền tảng số.

Dẫn đầu chuyển đổi số về việc mô hình hóa dữ liệu:  ứng dụng phân tích dữ liệu về hành vi, giao dịch của khách hàng trong hoạt động kinh doanh như (i) xây dựng mô hình hệ số Churn model xác định tỉ lệ rời bỏ ngân hàng; (ii) xây dựng mô hình thực hiện phê duyệt trước trong phát hành thẻ tín dụng; (iii) Nhận diện khách hàng tiềm năng đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; (iv) Xây dựng mô hình sử dụng nguồn dữ liệu thay thế để chấm điểm rủi ro tín dụng của khách hàng; (v) Mô hình hóa hệ thống phân tích và báo cáo chất lượng danh mục tín dụng Bán lẻ.

Dẫn đầu chuyển đổi số về hoàn thiện và mở rộng hệ sinh thái số: (i) Phát triển các sản phẩm riêng biệt phù hợp nhu cầu của từng khách hàng/nhóm khách hàng trên cơ sở kết nối trực tiếp với hệ thống ERP của doanh nghiệp; (ii) Đối với các dịch vụ hành chính công, Vietcombank là ngân hàng duy nhất được Thủ tướng biểu dương là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia, mở rộng liên kết đối tác trong lĩnh vực công như thanh toán Bảo hiểm xã hội, Kho bạc nhà nước, logistic...

Dẫn đầu chuyển đổi số về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin: Nâng cao năng lực an toàn, bảo mật theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thông qua đầu tư triển khai các dự án hạ tầng an ninh thông tin; Triển khai các biện pháp kiểm soát chủ động để phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ về an ninh thông tin phát sinh trong quá trình hoạt động của ngân hàng.

Vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy Vietcombank đã đưa Vietcombank có chiến lược, lộ trình và từng bước thành công trong chuyển đổi số. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Vietcombank, Vietcombank đang là ngân hàng đi đầu trong công tác chuyển đổi số, đồng hành cùng với chuyển đổi số Quốc gia.

Vai trò lãnh đạo của Đảng với Văn hóa và Chuyển đổi số, trong chiến lược phát triển Vietcombank trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam

Kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang, thế hệ Vietcombank ngày nay quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đóng góp trí tuệ và tâm huyết, hướng tới những mục tiêu và tầm nhìn mới “Đến năm 2030, Vietcombank đặt tầm nhìn trở thành tập đoàn Tài chính - Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn Tài chính - Ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu”.

Đảng ủy Vietcombank đã có vai trò lãnh đạo toàn diện và vững mạnh trong xây dựng Văn hóa, trong Chuyển đổi số, trong chiến lược phát triển Vietcombank trở thành Ngân hành số 1 Việt Nam theo đúng định hướng của Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, của Đảng ủy ngành ngân hàng và của Đảng ủy Vietcombank.

Với những thành tích xuất sắc toàn diện đã đạt được, Ðảng bộ Vietcombank liên tục được công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðảng bộ Vietcombank và nhiều tổ chức đảng trực thuộc, nhiều cán bộ, đảng viên đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý. Ngày 31/3/2023 vừa qua, Vietcombank đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trong thời kỳ đổi mới./.

Lê Hồng Quang

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dang-lanh-dao-xay-dung-van-hoa-va-chuyen-doi-so-trong-chien-luoc-phat-trien-vietcombank-tro-thanh-ngan-hang-so-1-viet-nam-a11883.html