Hành trình 55 năm lan toả bản sắc Việt

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thuộc trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (tiền thân là ĐH Tổng hợp Hà Nội) là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước được Nhà nước giao phó sứ mệnh giữ gìn và truyền bá Tiếng Việt ra thế giới.

Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã gánh vác nhiều trọng trách với các tên gọi: Khoa Tiếng Việt (1968); Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam năm (1995); Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (2008). Từ nhiệm vụ chính trị được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp xác định (năm 1968) là tập trung vào công tác dạy tiếng cho người nước ngoài tại Việt Nam, hiện nay, Khoa đã trở thành đơn vị dẫn dắt xu hướng chuyên môn về Việt ngữ học ứng dụng, góp phần định vị chất lượng đào tạo ngành Việt Nam học trong cả nước và trên thế giới.

khoa-viet-nam-hoc-va-tieng-viet-pld-1700323223.jpg
Đội ngũ giảng viên, sinh viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt qua nhiều thời kỳ.

Trong suốt hành trình lịch sử truyền bá, bảo vệ, tôn vinh tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu Việt Nam học từ cả hai góc độ: liên ngành khu vực học và Việt ngữ học, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã củng cố vững chắc vị thế chuyên môn, nhiệm vụ chính trị và tư vấn chính sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam suốt nhiều thập niên từ giữa thế kỉ trước đến nay. 

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tích lũy bề dày cống hiến và thành tựu học thuật có giá trị bền vững. Khoa không chỉ là nơi công tác và trưởng thành của nhiều nhà giáo, nhà khoa học có tên tuổi đã nghỉ hưu hoặc đang đảm trách những vị trí quan trọng trong hệ thống đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học trong cả nước, mà còn là một cơ sở đào tạo có uy tín của hàng trăm cử nhân Việt Nam, hàng nghìn sinh viên nước ngoài về Việt Nam học và Tiếng Việt. Khoa đã đào tạo được hơn 15 vị là Đại sứ, đại biện lâm thời các nước tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: “Bề dày lịch sử của một đơn vị đào tạo nó không chỉ là câu chuyện về thời gian, không chỉ là câu chuyện về thương hiệu giáo dục mà bản chất của nó là câu chuyện về giá trị. Giá trị của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt mang đến cho cộng đồng, xã hội đó là cung cấp một cái nhìn đa chiều và nhân văn về đất nước, con người Việt Nam thông qua Tiếng Việt. Cái giá trị đó gắn liền với triết lý giáo dục của khoa và triết lý ấy cũng bắt nguồn từ triết lý của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đó là Nhân văn – Sáng tạo – Kết nối – Hội nhập. 

Ở đây, Kết nối là kết nối về tri thức, về văn hoá, kết nối để thấu hiểu và kết nối để phát triển, đó là giá trị cốt lõi mà khoa theo đuổi, là lý do để khoa tồn tại. Và câu chuyện về Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam, tôi nghĩ sẽ còn được tiếp tục kể lại cho nhiều thế hệ sau, bởi vì nó trường tồn cùng với dân tộc.”

ts-le-thi-thanh-tam-pld-1700323227.png
TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nhìn lại chặng đường 55 năm đầy ắp sự cống hiến, toàn bộ cán bộ, giảng viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tự hào trước những thành tựu lớn của khoa trong lĩnh vực Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng như: biên soạn thành công “Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài” áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia; Định dạng đề thi đánh giá năng lực Tiếng Việt theo khung năng lực Tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia; biên soạn thành công “Chương trình Đào tạo giáo viên Tiếng Việt cho người nước ngoài” một cách có hệ thống.

Là đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong việc bồi đắp sức mạnh mềm thông qua Tiếng Việt, khoa đã góp phần quan trọng trong sách lược của Chính phủ về người Việt Nam ở nước ngoài. Đề án “Tăng cường dạy Tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” (theo Quyết định số 1382/QĐ-TTg ngày 12/7/2016) do đội ngũ đầu ngành của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt khởi thảo thuyết minh và tập thể cán bộ giảng viên trực tiếp thực hiện từ năm 2020 – 2022 đã đạt kết quả xuất sắc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả tiến trình công tác người Việt ở nước ngoài theo Kết luận 12 của Bộ Chính trị. 

Đây là bộ học liệu có quy mô đầu tiên tại Việt Nam dành cho kiều bào, bao gồm: tài liệu dạy học, tài liệu hướng dẫn phương pháp dạy, tài liệu chỉnh ngữ âm và bộ tài liệu bổ trợ cao cấp gồm các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kĩ thuật và công nghệ, các loại hình văn hoá nghệ thuật Việt Nam, du lịch, ẩm thực, thương mại, sổ tay giao tiếp Tiếng Việt thông dụng và dạy Tiếng Việt thông qua bộ truyện cổ tích Việt Nam. Khoa đã biên soạn các bộ tài liệu kiểm tra đánh giá sơ cấp, trung cấp, cao cấp cùng ngân hàng đề thi đánh giá theo khung năng lực 6 bậc của tiếng Việt dùng cho kiều bào. 

Ngày 08/9/2022, Ban đề án của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cho ra mắt Kênh dạy Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ hàng trăm lượt người học đa dạng thuộc nhiều quốc tịch đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là khoá học trực tuyến đa văn hoá, đa quốc tịch dưới hình thức phục vụ miễn phí các tầng lớp kiều bào. Hoạt động này của khoa đã góp phần tạo nên một thành tựu đột phá về công tác đối ngoại nhân dân, giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện sứ mệnh quốc gia của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động chuyên môn, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã có đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có trình độ cao, giảng viên cơ hữu mạnh về năng lực và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng. Với các thành tựu có ý nghĩa to lớn về ngoại giao văn hoá, về nhiệm vụ chính trị với quốc gia, về tầm vóc chuyên môn, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào các năm 2009 và năm 2018. 

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hanh-trinh-55-nam-lan-toa-ban-sac-viet-a11830.html