Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 9/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam phù hợp với điều kiện chung. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 5,8% (giảm từ mức 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2023), sau đó tăng lên 6% vào năm 2024 (giảm từ mức 6,8% trong báo cáo trước đó). ADB cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%).
Còn theo nhóm phân tích của SSI Research, tăng trưởng GDP quý 3 hồi phục nhẹ từ đáy (hình chữ L) với mức 5,33%, trong đó chế biến chế tạo và nhóm tiêu dùng đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, trong đó xuất khẩu ròng đóng góp tới gần 50% tăng trưởng. Trong khi đó tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản tăng trưởng ở mức yếu.
Theo nhóm phân tích này, điểm sáng là giải ngân vốn FDI khả quan. Tính đến cuối tháng 9, giải ngân FDI đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ và là con số thực hiện cao nhất 9 tháng trong vòng 5 năm qua.
Đầu tư công cũng bật tăng mạnh mạnh trong tháng 9. Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 51,4% kế hoạch Thủ tướng và tăng 43,5% so với cùng kỳ nhờ kế hoạch giải ngân lớn trong năm nay.
Xét theo tháng, đầu tư công tháng 9 bật tăng mạnh (tăng 34% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ) khi bước vào giai đoạn cao điểm cho giải ngân đầu tư công.
Nhóm chuyên gia của SSI cho rằng, mặc dù nền kinh tế có sự phục hồi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy nhiên do thiếu vắng sự bứt phá từ các động lực tăng trưởng chính nên SSI vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm khoảng 4,5 - 5%.
Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố. Theo đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát CPI bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.
Tại Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB; có trụ sở tại Singapore) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5% dù mức dự báo trước đó là 5,2%.
Theo UOB đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2023, kết quả tăng trưởng 4,24% là một sự cải thiện so với mức 3,72% của nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên vẫn chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5% là một thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12% và điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.
“Mặc dù tăng trưởng đã vững chắc hơn trong quý 3, nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, chúng tôi điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4/2023 là 7,0% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%). Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới”, UOB nhận định.
Gia Bảo
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-chuyen-gia-du-bao-tang-truong-kinh-te-nam-2023-cua-viet-nam-la-bao-nhieu-a11739.html