Chiến lược Tăng trưởng xanh đem lại lợi ích to lớn và lâu dài

Để triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề "Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. 

Chương trình diễn ra sáng 03/11 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của GS.TS. Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

dien-dan-tang-truong-xanh-pld-1699002191.JPG

Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023.

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch về Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.

Thứ trưởng đề cập đến hai khía cạnh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, để đạt được các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đặc biệt chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.

“Điểm nổi bật nhất của chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi cái mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.” – bà Ngọc khẳng định.

thu-truong-bo-ke-hoach-ve-dau-tu-nguyen-thi-bich-ngoc-pld-1699002191.JPG

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch về Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Dưới góc nhìn chuyển dịch năng lượng, TS. Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng, tăng trưởng xanh tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhập khẩu năng lượng; tăng tính cạnh tranh, giảm thuế các-bon sản phẩm thông qua giảm dấu vết các-bon; tận dụng được nguồn tài chính khí hậu/tài chính xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không khí; tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm tác động có hại đến sức khỏe.

ts-nguyen-ngoc-hung-pld-1699002191.JPG

TS. Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương).

Theo TS. Nguyễn Thanh Hải – Chuyên gia kinh tế, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ thông qua 2 xu hướng phát triển toàn cầu là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi xanh song song với chuyển đổi số này được gọi là “Chuyển đổi kép” và gắn rất chặt với các mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thực thi cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050 và chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam là nền kinh tế quy mô tuy còn nhỏ, nhưng có độ mở rất cao, liên kết chặt trẽ với kinh tế thế giới và chịu tác động lớn của Biến đổi khí hậu, nên cũng cũng không thể nằm ngoài xu thế phát triển này.

Ông Hải nhận định, huy động nguồn vốn Tài chính xanh quy mô lớn cho Việt Nam phải đến từ nhiều nguồn Tài chính xanh quốc tế và trong nước; từ khu vực công và đặc biệt là từ khu vực tư nhân; từ Ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là từ hệ thống tài chính, Ngân hàng bằng các công cụ tài chính xanh.

ts-nguyen-thanh-hai-pld-1699002191.JPG

TS. Nguyễn Thanh Hải – Chuyên gia kinh tế, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. 

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân – khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chien-luoc-tang-truong-xanh-dem-lai-loi-ich-to-lon-va-lau-dai-a11717.html