Thế giới còn nhiều điều chưa biết về dịch Covid-19?

Khi số người tử vong vì dịch bệnh đã lên đến hơn 2.500 người trên toàn cầu (cập nhật ngày 25.2), vẫn còn quá nhiều câu hỏi về Covid-19 chưa được trả lời.

Các câu hỏi về virus Corona dấy lên như nấm mọc sau mưa, nhưng chẳng có đáp án. Ngày 12.2, Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm bệnh nhảy vọt, chỉ một ngày mà cộng thêm hơn 14.000 người, bằng một phần ba con số ngày trước đó, vào tổng số người nhiễm bệnh ở Hồ Bắc - tỉnh miền Trung của Trung Quốc nơi dịch Covid-19 khởi phát. Điều này dường như là kết quả của việc thay đổi phương pháp tính toán: chuyển nhiều trường hợp nghi nhiễm sang xác nhận nhiễm – nhưng vẫn còn nhiều ca chưa chắc chắn.

Có vài nguyên nhân giải thích vì sao còn nhiều điều chúng ta chưa biết về dịch bệnh này. Một trong số đó là do Covid-19 là loại virus mới, giống như các virus gây bệnh khác, nên phải mất nhiều tháng nghiên cứu khoa học tập trung và tỉ mỉ mới nắm bắt được đầy đủ chi tiết. Một nguyên nhân khác là do dịch bệnh chủ yếu ở Trung Quốc. Có khoảng 1,4 tỉ người ở đất nước này, cuộc sống của bất kỳ ai ở đây cũng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc các biện pháp ngăn chặn.

Chúng ta không biết có bao nhiêu ca nhiễm virus. Các nhà chức trách Trung Quốc mỗi ngày đều đưa ra số liệu xác nhận và nghi ngờ nhiễm bệnh, nhưng chỉ riêng việc tính số người nhiễm đã là một vấn đề lớn. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 5.2, ông Neil Ferguson, một chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng, đã ước lượng rằng chúng ta chỉ phát hiện được 10% số ca nhiễm thực sự. Trước đó, một mô hình phân tích khả năng lây nhiễm ở sân bay cũng chỉ ra rằng dịch bệnh đang bị đánh giá thấp một cách đáng ngại; một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí y khoa Lancet còn cho rằng số người nhiễm bệnh chỉ riêng ở Vũ Hán đã lên đến 75.000 người vào ngày 25.1 so với con số 1.975 người nhiễm bệnh trên toàn quốc mà Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố cùng ngày.

Nhiều yếu tố có thể gây ra việc đếm thiếu số ca nhiễm bệnh. Vài trường hợp nhiễm bệnh có vẻ không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là trẻ em. (Như vậy, có khả năng xác định sai những người đầu tiên nhiễm bệnh). Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 24 ngày thay vì 14 ngày như trước đây chúng ta vẫn tin. Bộ xét nghiệm cho virus này thì thiếu trầm trọng, trong khi số người nhiễm bệnh hầu hết ở Vũ Hán, nhưng bác sỹ ở các nơi khác thì báo cáo đã cách ly bệnh nhân nhưng không thể xét nghiệm cho họ. Việc tăng đột ngột số ca nhiễm ngày 12.2 dường như là kết quả của việc thay đổi phương pháp tính, ở Hồ Bắc chứ không phải nơi khác – các bệnh nhân chỉ được bác sỹ chẩn đoán lâm sàng nhưng không được xét nghiệm đầy đủ vẫn được cho vào nhóm “xác nhận” nhiễm bệnh.

Do lo sợ bị cô lập hoặc kỳ thị, một số người biểu lộ triệu chứng có thể tránh né các hệ thống y tế, đó là lý do tại sao giờ đây các nhà chức trách phải giới hạn mua bán thuốc tự do. Ở một đất nước phổ biến khái niệm “tiền trao cháo múc”, người dân có thể tránh đi bệnh viện do thiếu tiền: Mặc dù chính phủ hứa sẽ chi trả, nhưng không có cơ chế rõ ràng nào để hoàn trả viện phí cho người dân, và một số bệnh nhân đang phải trả viện phí số tiền gấp mấy lần thu nhập của họ.

Chúng ta vẫn không biết chính xác virus này nguy hiểm đến mức nào. Trong khi tỉ lệ tử vong ở các trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo vẫn ổn định ở con số chính thức khoảng 2,1 đến 2,2%, có một vài vấn đề nảy sinh ở tỉ lệ này. Hầu hết những trường hợp được chẩn đoán nhiễm bệnh mới chỉ vừa biểu lộ triệu chứng, và virus vẫn chưa phát tác mạnh nhất. Số người tử vong dường như bị tính thấp hơn rất nhiều, với nhiều báo cáo bệnh nhân tử vong tại nhà và bị mang đi hỏa táng trước khi được tính vào con số chính thức. (Hỏa táng, theo truyền thống, là điều tối kỵ ở Trung Quốc, không chỉ trong thời gian dịch bệnh).

Số ca tử vong, tính đến bây giờ, vẫn tập trung quá nhiều ở Vũ Hán, với tỉ lệ ở đây gần 5%. Mặc dù ở mặt tích cực, số ca nhiễm bệnh không được ghi nhận có thể là các ca ít nghiêm trọng, có nghĩa là tỉ lệ tử vong thực sự có thể còn thấp hơn.

Chúng ta vẫn chưa biết được liệu những người đã nhiễm và khỏi bệnh sẽ miễn dịch với virus này không hay là họ sẽ bị tái nhiễm – một nỗi lo đặc biệt khi Trung Quốc cách ly người nhiễm trong các bệnh viện tập trung.

Chúng ta không biết nơi 5 triệu người rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa thành phố đã đi đâu. Đối với các công dân trung lưu Trung Quốc, việc truy tìm họ khá dễ dàng nhờ vào hệ thống camera giám sát khắp nơi ở Trung Quốc và sự phổ biến của các dịch vụ như WeChat, một ứng dụng di động có trả phí được nhiều người sử dụng ở Trung Quốc. Nhưng truy tìm những người nghèo, đặc biệt là khoảng 450 triệu người không có truy cập internet, thì khó hơn nhiều.

Tất cả những điều trên có nghĩa là, chúng ta không biết liệu các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ hiệu quả hay không. Các biện pháp phong tỏa quy mô lớn đã phát sinh các kết quả ngoài ý muốn. Tuy vậy, mức độ phong tỏa lần này của Trung Quốc là chưa từng thấy, mức độ kiểm soát dân chúng của chính phủ cũng vậy. Ngay lúc này, số ca lây nhiễm mới ở Trung Quốc có vẻ đang giảm dần mỗi ngày, nhưng đó mới chỉ là trong những ngày gần đây.

Chúng ta cũng không biết việc một số nước không có ca nhiễm có phải là may mắn virus chưa lan đến đó, là người nhiễm bệnh ở đó được chẩn đoán xác nhận. Đây là điều khiến những nước như Indonesia đặc biệt lo lắng, vì hệ thống y tế công cộng nước này chưa sẵn sàng đối phó dịch bệnh, cũng như các quốc gia châu Phi nghèo hơn, nơi giao thương với Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Chúng ta không biết liệu dịch bệnh sẽ chỉ nghiêm trọng nhất ở Vũ Hán, hay các ổ dịch với vài trăm ca nhiễm ở các thành phố khác ở Trung Quốc sẽ bùng phát mạnh, hay dịch bệnh sẽ lan sang các quốc gia khác. Chúng ta không biết dịch bệnh lần này có trở thành đại dịch toàn cầu hay không.

Chúng ta không biết khi nào thì sẽ có vaccine phòng bệnh, có thể là sáu tháng, có thể là một năm, có thể là 18 tháng.

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/the-gioi-con-nhieu-dieu-chua-biet-ve-dich-covid-19-a1171.html