Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

dien-dan-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-dn-pld-1698219074.jpg

Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số".

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 41, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. 

Trong đó, quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp. Những định hướng chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm phát triển kinh tế số của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới cũng như đòi hỏi khách quan của phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI chia sẻ: “Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…”

ong-hoang-quang-phong-pld-1698219074.jpg

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng.

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp.

“Tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.” – ông Phòng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao…

Theo đó, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.

ong-trinh-minh-anh-pld-1698219074.jpg

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh.

Theo ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới các dịch vụ công. Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực. 

Song thực tế, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Thông qua triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, 19 nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trì của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Hạ Anh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-trong-nen-kinh-te-so-a11630.html