Người thầy đáng kính với hơn 5.000 bác sĩ theo học
Trong y khoa, mổ tim là giải pháp điều trị căn cơ và có tính cấp bách cho bệnh tim bẩm sinh, bởi điều trị bằng thuốc chỉ tạm thời, không thể loại bỏ được những tổn thương thực thể trong tim. Nếu không được mổ, người bệnh luôn trực diện với cửa tử. Ở một đất nước nghèo vừa thoát khỏi bom đạn chiến tranh, số lượng trẻ em chờ mổ tim cứ dài ra bất tận khi mỗi năm lại có thêm khoảng 8.000 trẻ chào đời bị tim bẩm sinh trên một triệu em bé mới sinh.
Mãi đến năm 1989, cả nước vẫn chưa có bệnh viện nào có thể phẫu thuật tim; ở Hà Nội cũng chỉ thực hiện những ca đơn giản như thông liên nhĩ bằng cách hạ thân nhiệt và thực hiện rải rác với sự trợ giúp của các bác sĩ từ Nga, Pháp bay sang.
“Lúc này, ở miền Nam cũng có tổ chức từ thiện đưa trẻ qua Pháp mổ tim bẩm sinh do các cơ sở y tế trong nước chưa thực hiện được. Chính tay tôi là người góp phần chẩn đoán cho các cháu sang Pháp nhưng quy trình để xuất cảnh thời bấy giờ lắm nhiêu khê. Nhiều trẻ đã qua đời trong lúc chờ gọi tên”, PGS Phạm Nguyễn Vinh hồi nhớ.
Thấy cảnh đau lòng này, cố giáo sư – viện sĩ Dương Quang Trung lúc đó là Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đích thân sang Pháp gặp nhà phẫu thuật tim lừng danh thế giới – giáo sư Alain Carpentier nhờ giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở mổ tim hở.
Sau 2 lần qua Việt Nam khảo sát, vị bác sĩ khả kính này đồng ý hỗ trợ đào tạo đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị y khoa trị giá hơn 3 triệu USD trong 2 năm, phía Sở Y tế TP.HCM bỏ ra 1 triệu USD xây dựng Viện Tim. Để ước mơ trở thành hiện thực, các bác sĩ tim mạch hàng đầu ở Sài Gòn chia nhau mỗi người một việc. Bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh (lúc đó là Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) được cử sang Pháp tiếp cận nền y học hiện đại trong đó có kỹ thuật siêu âm tim. Từ một người chỉ sử dụng ống nghe, đo huyết áp để chẩn đoán bệnh, ông bắt đầu sử dụng siêu âm tim để quan sát cách tim đập và bơm máu. Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng hình ảnh từ siêu âm tim để xác định bệnh tim chính xác, giúp ca mổ được suôn sẻ.
Ngày 1/1/1992, Viện Tim TP.HCM thực hiện thành công ca phẫu thuật tim đầu tiên với sự hỗ trợ của giáo sư Carpentier. Ngay 1 năm sau, PGS Phạm Nguyễn Vinh đã mở lớp dạy siêu âm tim đầu tiên trên cả nước ở Viện Tim. Lúc đó, bác sĩ từ nhiều tỉnh thành đi xe đò, tàu lửa đến học. Để người học dễ hình dung, ông bắt đầu vẽ hình ảnh trái tim lên bảng dưới dạng siêu âm, rồi dần dần chuyển sang “công nghệ” vẽ trái tim lên phim để chiếu cho học trò theo dõi…
“Chính siêu âm tim đã giúp nhiều trẻ em Việt Nam thêm cơ hội được sống. Điển hình như Tứ chứng Fallot (trẻ bị 4 khuyết tật ở tim cùng lúc); nếu không có siêu âm, bác sĩ chỉ chẩn đoán bệnh bằng kinh nghiệm như nhìn thấy đứa nhỏ tím, nghe thấy âm thổi ở tim. Muốn biết bệnh chính xác thì đợi đến lúc mổ ra mới biết. Điều này rất khó khăn để tiên lượng, chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật. Không có siêu âm thì không hiểu hết bệnh tim bẩm sinh. Siêu âm tim là phương tiện phổ cập kiến thức về giải phẫu và sinh lý của quả tim cho tất cả các bác sĩ”, PGS Phạm Nguyễn Vinh khẳng định. Ngoài ra, siêu âm tim cũng giúp thầy thuốc tim mạch hiểu biết sâu hơn về các lĩnh vực khác: bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành,…
Giữa cơn mưa Sài Gòn dần nặng hạt, ngồi trò chuyện với các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ông ngẫm: “Nhờ có siêu âm tim mà quả tim được phơi bày rõ ràng hơn về cơ chế gây bệnh, giúp bác sĩ trẻ đam mê theo đuổi nghề hơn. Thời tôi, lúc học y năm 3, có cô giáo rất giỏi từ Mỹ về dạy nhưng cũng chỉ có thể học được 3 bài cơ bản như: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch. Nếu cô giáo dạy các bệnh phức tạp hơn thì học trò chúng tôi thuở ấy sẽ không hiểu vì không có siêu âm tim.”
Là người tiên phong, đặt nền móng cho siêu âm tim Việt Nam; đến nay PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh có hơn 5.000 bác sĩ theo học về siêu âm tim. Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng thầy vẫn tiếp tục đứng lớp giảng dạy vì muốn truyền y đạo đến các bác sĩ trẻ.
Hẹn “những trái tim nhân hậu” gặp nhau ở Tâm Anh
Mỗi năm, Viện Tim phẫu thuật được khoảng 1.350 ca, trong đó có 600 trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh nhưng danh sách chờ mổ có khi lên đến 4.000 – 5.000 ca. Thời gian chờ đợi càng lâu, bệnh càng nặng và có những ca tử vong khi chưa kịp lên bàn mổ. Để không có bệnh nhi nào bị bỏ lại phía sau, các bác sĩ Viện Tim đã chuyển giao kỹ thuật cho một số bệnh viện lớn trên cả nước. Chẳng hạn ở miền Bắc có Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, miền Trung là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, còn miền Nam có Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Cần Thơ, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2…
“Dù chúng ta đã có nhiều trung tâm tim mạch như vậy nhưng vẫn còn nhiều em bé chưa được chăm sóc đầy đủ. Tôi khát khao có một trung tâm tim mạch điều trị cho trẻ bệnh tim bẩm sinh ngay từ trong bào thai. Điều khiến tôi trăn trở nữa là trẻ đến 16 tuổi bị tim bẩm sinh thì đến đâu chữa trị? Tôi đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở điều trị cả bệnh tim bẩm sinh cho người lớn. Khi cơ thể mình không còn trẻ, tôi chợt nhận ra lúc người ta già chỉ còn đối diện với 3 vấn đề chính: ung thư, tim mạch và nhiễm trùng. Do đó, tôi tiếp tục tập hợp các học trò giỏi của mình để hình thành các ekip điều trị suy tim, bệnh cơ tim, ghép tim… vừa rộng vừa sâu. Tôi đã tìm được nơi gieo mầm ước mơ này ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Môi trường ở Bệnh viện Tâm Anh không giống nơi khác, bệnh viện tạo không khí làm việc thoải mái để bác sĩ cống hiến đam mê. Dù là bệnh viện tư nhưng nơi đây đã chuẩn chỉnh về quy trình điều trị bệnh tim và luôn đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu. Để làm được điều này, người lãnh đạo không chỉ đầu tư xây dựng bệnh viện mà phải giải được bài toán chiêu mộ nhân tài, thu hút được bác sĩ giỏi khắp nơi về hội tụ.
Ở Thái Lan, có bệnh viện Bumrungrad rất nổi tiếng, thu hút nhiều bác sĩ người Thái ở nước ngoài về. Bệnh viện này sử dụng hàng chục thông dịch viên, thông thạo hàng chục thứ tiếng, để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của bệnh nhân nhiều nước trên thế giới đến Bumrungrad điều trị. Thái Lan làm được như vậy là nhờ xây dựng được một bệnh viện cực kỳ hiện đại.
“Tôi ước, một ngày không xa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ làm được điều này. Khoảng 5 – 10 năm nữa thôi, Trung tâm Tim mạch Tâm Anh sẽ là nơi đào tạo bác sĩ sau đại học, bác sĩ nội trú, sinh viên y khoa và thu hút cả bác sĩ nước ngoài đến học tập, chuyển giao kỹ thuật. Nơi đây còn là cầu nối cho bác sĩ trong nước và lực lượng bác sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Nếu 20 bác sĩ đi nước ngoài học, chỉ cần 1 bác sĩ quay về cũng rất hữu ích cho Việt Nam”, PGS Phạm Nguyễn Vinh nhận định.
Để giữ sức khỏe cường tráng khi đảm đương chức vị giám đốc Trung tâm Tim mạch Tâm Anh và cùng lúc phải tham gia giảng dạy ở các trường đại học thì PGS Phạm Nguyễn Vinh bật mí ông luôn giữ cho tinh thần lạc quan và cứ mỗi buổi chiều, vợ chồng ông chở nhau đến câu lạc bộ để tập thể dục, yoga.
Theo Tâm Anh Hospital
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/pgstsbs-pham-nguyen-vinh-dat-nen-mong-cho-sieu-am-tim-viet-nam-a11460.html