Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Chính phủ và các cơ quan lập pháp đã nghiên cứu sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Đồng thời mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 nhằm kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có 10 nội dung lớn đã được đề cập trong Tờ trình và dự thảo Luật, trong đó có một số nội dung nhận được nhiều sự quan tâm như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; quy định về quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; cải cách chính sách tiền lương; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH…
Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh ý kiến: “Cần giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu”.
Đứng trước thực trạng ồ ạt rút BHXH một lần hiện nay, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Cụ thể, ông Nam cho rằng cần gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn cho người lao động, ví dụ như điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng Bảo hiểm y tế do Ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động khi bị mất việc.
Ngoài ra, Phó Vụ trưởng cũng đưa ra 2 phương án quy định hưởng BHXH một lần. Phương án 1 là Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động. Trong đó, nhóm 1 bao gồm Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 bao gồm Người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật BHXH (sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025) thì chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần đối với các trường hợp: (i) đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; (ii) ra nước ngoài để định cư; (iii) bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
“Phương án 2 là Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.” – Phó Vụ trưởng đề xuất.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: “Cơ quan Bảo hiểm xã hội vừa là cơ quan của nhà nước thực hiện các chức năng an sinh xã hội, một trong các chính sách lớn của nhà nước. Đồng thời còn là một Quỹ- Quỹ Bảo hiểm - quỹ tài chính, Quỹ tiền tệ tập trung. Vì vậy ngoài việc Báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH theo định kỳ. Việc quản lý Quỹ BHXH phải tuân thủ Luật pháp về tài chính kế toán , kiểm toán và tuân thủ Điều lệ quản lý Quỹ.”
Theo đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị có quy định về quản lý tài chính quỹ, về báo cáo tài chính. Số liệu báo cáo phải phản ánh được những thay đổi lớn trong thực hiện quỹ ; các số liệu báo cáo phải ;là số liệu thực tế đã thực hiện, được thẩm định. Kiểm toán nhà nước phải thực hiện kiểm toán quỹ BHXH và báo cáo kết quả kiểm toán với Chính phủ, với Quốc hội.
Tổng kết Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cảm ơn những đóng góp, ý kiến rất giá trị, sắc sảo của các nhà khoa học cho Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Uỷ ban xin phép tiếp thu các ý kiến trên cơ sở nghiên cứu để quá trình thẩm tra được đầy đủ, sắc nét, đáp ứng được nhu cầu hoàn thiện, xây dựng dự án Luật.
Mai Phương
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bo-sung-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-de-hinh-thanh-he-thong-bhxh-da-tang-a11420.html