Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thuộc tỉnh Cao Bằng, đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định: “Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới, với những định hướng, tầm nhìn chiến lược và lựa chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển mang tính đột phá, tương xứng với những tiềm năng của mình.”
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Cao Bằng sẽ chủ động kết nối, thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, với khát vọng vì một Cao Bằng phát triển với phương châm nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài, ngoại lực là quan trọng cho đột phá.
Với những tiềm năng sẵn có và sự cố gắng không ngừng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, kinh tế Cao Bằng ổn định và liên tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng trên 5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,04 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 11%/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Cao Bằng vẫn còn gặp một số hạn chế. Hiện nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ; chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Nhằm đạt được mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ Tỉnh đã xác định ba nội dung đột phá chiến lược của tỉnh trong thời gian tới, bao gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; và Phát triển kinh tế cửa khẩu.
Ông Hoàng Xuân Ánh bày tỏ tin tưởng rằng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tỉnh, những kết quả thiết thực tại Hội nghị sẽ giúp mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho tỉnh Cao Bằng.
Tại Hội nghị, nhiều tham luận của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu, cơ quan báo chí với UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh về tiềm năng, lợi thế, một số lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh.
Trong đó, làm rõ vấn đề hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển du lịch đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường gắn với bảo tồn di sản, phát triển Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có lợi thế, ưu đãi, quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp; có cơ chế chính sách thông thoáng, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút nguồn vốn ODA phát triển hạ tầng đô thị, giao thông; tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ hoạt động, đầu tư tại tỉnh…
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM). Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiếp, làm việc với một số Đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ cắt băng khánh thành Triển lãm Không gian Cao Bằng. Triển lãm cung cấp góc nhìn và thông tin tổng quan về mảnh đất Cao Bằng, về tiềm năng kinh tế - văn hóa - du lịch của tỉnh nhằm mở ra các cơ hội hợp tác và khai thác thị trường tiềm năng mới.
Mai Phương
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/3-noi-dung-dot-pha-chien-luoc-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-cao-bang-a11405.html