Hơn 100 dự án đã được “phá băng”, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều khó khăn

Mặc dù chính quyền TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho hơn 100 dự án bất động sản từ cuối năm 2022 đến nay. Song, UBND TP.HCM dự báo tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức bởi nhiều lý do.

UBND TP.HCM đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023. 

Mới đây, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023, UBND TP.HCM cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy thị trường bất động sản.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 về việc sửa đổi bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thời gian qua, lãi suất một số ngân hàng đã giảm, việc huy động qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp đã có dấu hiệu tích cực trở lại.

du-an-gotcland-1696125903.png
Dự án của công ty Gotec Land đã được cơ quan chức năng TP.HCM tích cực gỡ vướng về thủ tục pháp lý trong thời gian qua.

Song hành cùng các biện pháp gỡ vướng thị trường bất động sản của Chính phủ, tại TP.HCM, chính quyền và nhiều cơ quan chức năng của thành phố đã tập trung giải quyết rất nhiều vướng mắt liên quan đến thủ tục, pháp lý của dự án mà doanh nghiệp địa ốc đang triển khai.

Theo đó,  từ cuối năm 2022, UBND TP.HCM đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, để báo cáo Tổ công tác của Chính phủ (Tổ 1435) về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã tổ chức họp để có hướng chỉ đạo tháo gỡ ngay đối với 16/32 dự án mà Tổ 1435 chuyển đến. Với 16 dự án còn lại, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành tiếp tục rà soát về tính pháp lý để xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức làm việc với Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cùng các sở, ban, ngành để tiếp tục tổng hợp, phân nhóm các vướng mắc theo thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của các sở, ngành, tham mưu UBND thành phố tổ chức họp chuyên đề giải quyết.

Theo đó, từ 189 kiến nghị của 148 dự án do HoREA tổng hợp, đến nay các sở, ngành thành phố đã giải quyết đối với 43 kiến nghị của 39 dự án. Thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng.

Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

metro-star-hinh-anh-1-21072023-1696126273.jpg
 Sau nhiều năm kiên nhẫn chờ đợi, dự án Metro Star của Công ty CP Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group) được gỡ vướng. (Trong ảnh: Đơn vị xây dựng đang ngày đêm hoàn thiện các công đoạn của dự án)

UBND TP.HCM cũng cho biết, về việc giải quyết các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, Tổ công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để xử lý những tồn đọng vướng mắc đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công và các dự án đầu tư không sử dụng vốn Ngân sách thành phố và ban hành 8 thông báo kết luận chỉ đạo.

Tổ Công tác cũng đã họp và chỉ đạo các sở ngành tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho 17 dự án. Ngoài ra, Tổ Công tác đã triển khai phương án giải quyết đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh những thành công đạt được, UBND TP.HCM cũng dự báo công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân đến từ tác động tiêu cực bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường.

Chia sẻ với báo giới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp địa ốc và các dự án bất động sản, nhà ở. Nguồn cung thị trường sụt giảm đẩy giá thành sản phẩm lên cao, từ đó gây mất cung cầu thị trường.

“Hiện có rất nhiều điểm vướng trong quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội thời gian qua làm khó, làm khổ các doanh nghiệp rất nhiều. Nếu giải quyết được vướng mắc pháp lý, nguồn cung bất động sản ra thị trường sẽ tăng lên, giá cả sẽ giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được nhà ở. Giải quyết được vấn đề pháp lý cũng sẽ giải quyết được cả vấn đề tín dụng”, Chủ tịch HoREA cho biết.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết, cá nhân ông và các doanh nghiệp khác đã nhận thấy tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Tín hiệu này đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ thực hiện, cũng như những vướng mắc pháp lý mà TP.HCM đã tích cực tháo gỡ trong thời gian qua.

Đáng chú ý, việc giải ngân cho các dự án đầu tư công được đẩy mạnh giúp lượng tiền cung ra nền kinh tế khá hơn, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh khởi sắc. Thêm nữa, chứng khoán tăng trưởng cũng được kỳ vọng sẽ kéo thị trường bất động sản phục hồi theo.

“Việc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP.HCM thời gian qua đã tập trung cho việc tháo gỡ khó khăn về chính sách, tạo niềm tin cho tất cả cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có ngành bất động sản, chắc chắn sẽ giúp thị trường địa ốc sôi động trở lại trong những quý tới.

Và để thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý nhà nước, khi đó thị trường sẽ vận hành bình thường khi các bên làm đúng và đủ vai trò của mình. Cơ quan quản lý nhà nước cứ theo luật mà làm, nếu vướng cần sửa ngay và sớm tháo gỡ, chứ không nên để ngắc ngứ kéo dài”, vị này chia sẻ.

Thuỳ Linh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hon-100-du-an-da-duoc-pha-bang-thi-truong-bat-dong-san-tphcm-van-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan-a11374.html