Thừa Thiên Huế: Địa phương được gọi tên nhiều nhất trong danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam

Thừa Thiên Huế có 6 món ăn được vinh danh trong Danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I – 2022. Đó là: Bún bò Huế, Chè bột lọc bọc heo quay, Cơm hến, Bánh lọc, Vả trộn hoa màu chay và Cơm hấp lá sen chay.

Ngày 29/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA) với sự đồng hành của nhãn hàng CHIN-SU đã tổ chức Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I – 2022 & Công bố giai đoạn II – 2023 Đề án "Xây dựng và phát triển Văn hoá Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia".

trao-giay-chung-nhan-pld-1696029929.jpg

Vinh danh 121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam.

Sự kiện có sự tham dự của trên 200 khách mời là đại diện các Bộ, Ban ngành, đại diện lãnh đạo tỉnh, đại diện các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch của 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch VCCA cho biết: “Với nhiệm vụ trọng tâm là tìm kiếm, sưu tầm, tôn tạo, phát triển các di sản và các tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam để trở thành thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Với 121 món ẩm thực được trao chứng nhận hôm nay, Hiệp hội mong muốn các địa phương, đơn vị xây dựng đề án, kế hoạch để tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị văn hóa ẩm thực, hình thành thế mạnh của mỗi địa phương.”

ong-nguyen-quoc-ky-pld-1696029929.jpg

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Về phía nhãn hàng CHIN-SU, bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng gia vị CHIN-SU chia sẻ: “Tiếp nối thành công giai đoạn 2022, sự đồng hành của CHIN-SU cùng Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam năm 2023 hứa hẹn là bước tiếp theo để tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để ẩm thực Việt trở thành nền ẩm thực hàng đầu thế giới, góp phần phát triển kinh tế du lịch Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng.”

ba-dinh-hong-van-pld-1696029929.jpg

Bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng gia vị CHIN-SU.

Với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”. 

Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong giai đoạn giai đoạn I năm 2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành trên khắp cả nước. Với sự tham gia của các nhà khoa học trong lĩnh vực Văn hoá Lịch sử, Công nghệ thực phẩm, Kinh tế; Nghệ nhân, Chuyên gia Ẩm thực; Nhà quản lý Văn hoá Du lịch, VCCA đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam.

danh-sach-121-mon-pld-1696029929.jpeg

Danh sách 121 món được vinh danh trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hoá ẩm thực tiêu biểu Việt Nam”.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, việc công bố danh sách các món ăn tiêu biểu của Việt Nam là rất cần thiết để nâng cao chất lượng ẩm thực cho các địa phương. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường hoạt động quảng bá ẩm thực Việt Nam với các thị trường du lịch quốc tế.

Trong khuôn khổ sự kiện, VCCA đã công bố Đề án "Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia" giai đoạn II - năm 2023. Theo đó, Đề án sẽ triển khai thực hiện các nội dung và hạng mục: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; truyền thông, quảng bá trong nước và quốc tế; hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, Bảo tàng Văn hóa ẩm thực Việt Nam (ảo).

Bên cạnh đó, VCCA sẽ triển khai trên nền tảng số tổng tập "Tinh hoa Ẩm thực Việt"; tổ chức bầu chọn "Món ngon quê tôi"; tổ chức Lễ hội Tết Việt với các hoạt động hội tụ ẩm thực trên khắp các địa phương…

Với mục tiêu định hình hệ sinh thái văn hóa ẩm thực Việt Nam và định hướng hỗ trợ, chuyển giao và phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương, tạo ra các giá trị và lợi ích gắn với địa phương, VCCA mong muốn các cơ quan Bộ ngành, cộng đồng đồng hành, hỗ trợ để Đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” hoàn thành sứ mệnh được giao; chung tay góp sức hành động nhằm thúc đẩy văn hoá ẩm thực Việt Nam phát triển, góp phần mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Hoàng Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thua-thien-hue-dia-phuong-duoc-goi-ten-nhieu-nhat-trong-danh-sach-121-mon-am-thuc-tieu-bieu-cua-viet-nam-a11368.html