Dự báo về tình hình kinh tế quý IV/2023, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ có sự phục hồi đáng kể. Với đặc thù của nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động nhiều trước những diễn biến trên thế giới bởi đó là thị trường xuất khẩu, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế.
Theo ông Doanh, khi thị trường truyền thống đang gặp khó khăn, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường nội địa và tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu. Qua đó, giúp hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng.
“Việt Nam sở hữu nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp hiện là bệ đỡ an toàn của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm an ninh lượng thực, đời sống của người dân. Vì thế mà chỉ số giá cả, hàng tiêu dùng và lương thực được kiểm soát, không bị lạm phát gia tăng như nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường nội địa, coi đó là giải pháp quan trọng tối ưu, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động…”, ông Doanh cho hay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích người dân đầu tư thành lập thêm doanh nghiệp. Muốn thế thì chính quyền cần hỗ trợ, công khai minh bạch. Các chi phí ngoài pháp luật phải được giảm bớt đáng kể.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế 4 tháng cuối năm, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tập trung vào các lĩnh vực gồm: Tiêu dùng trong nước; Đầu tư công; Xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.
Theo ông Ngô Trí Long, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả của các giải pháp sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023…
Còn tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã đưa ra những góc nhìn và đánh giá về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế, trong đó rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và có thể kéo dài; hoạt động thương mại quốc tế còn khó khăn, còn giảm dù mức giảm đã chậm lại…
“Trong 8 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng (dù chậm hơn) và là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh khu vực công nghiệp và xây dựng còn khó khăn. Khu vực công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn từ quý III/2022 nhưng đã có nhiều tín hiệu phục hồi từ cuối quý II/2023…”, ông Lực chia sẻ.
Ông Lực cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, cả 3 dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra.
Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%.
"Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP.HCM tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%", ông Lực đánh giá.
Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam đánh giá, ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.
Vừa qua, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 5,64%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%; cán cân thương mại thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD. Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 3,66%; chỉ số CPI bình quân tăng 3,87%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD. Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46%; xuất khẩu giảm 2,17%; chỉ số CPI bình quân tăng 4,39%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD. |
Gia Bảo
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhan-dinh-cua-cac-chuyen-gia-ve-tang-truong-cua-viet-nam-trong-nam-2023-nhu-the-nao-a11363.html