Việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu vẫn còn nhiều thách thức

Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải đang là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Đây cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Ngày 27/9 tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam”. Chương trình nhằm góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về phát triển năng lượng trong giai đoạn sắp tới, thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam.

toan-canh-hoi-thao-pld-1695857815.jpg

Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam”.

Trong thời gian vừa qua, năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Có thể nói, chuyển đổi năng lượng, “xanh hóa”, giảm phát thải là xu hướng không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hưởng quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển như: Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ký ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; và gần đây nhất 26/07/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần đạt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Mai Duy Thiện – Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.” 

ts-mai-duy-thien-pld-1695857815.jpg

TS. Mai Duy Thiện – Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam.

Theo ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, với nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % đến 9,36 %.

Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hiện nay đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP26.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt, việc hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành. Đơn cử, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. 

Ngoài ra, chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió. Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển.

Các chính sách, quy định khuyến khích phát triển thời gian qua chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Mặc dù việc bổ sung quy hoạch nguồn điện được tính toán đồng bộ quy hoạch lưới, nhưng tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt còn chậm, dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực…

ong-bui-quoc-hung-pho-cuc-truong-cuc-dien-luc-va-nang-luong-tai-tao-pld-1695857814.jpg

Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Để giải quyết các thách thức này, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Bên cạnh đó, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cho năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Đồng thời xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật năng lượng tái tạo.

Đại diện cho Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – ThS. Đỗ Văn Long cũng đề xuất một giải pháp: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lương sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.

Thêm vào đó, cần đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả; phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; thực thi các chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/viec-chuyen-doi-nang-luong-tai-viet-nam-de-dap-ung-cac-yeu-cau-van-con-nhieu-thach-thuc-a11345.html