Tế bào gốc máu và mô dây rốn – từ “rác thải y tế” đến y học tái tạo tiềm năng

Sau nhiều năm tiếp cận công nghệ sinh học tế bào gốc thế giới, Việt Nam đã thành công trong việc biến “rác thải y tế” máu và mô dây rốn thành nguồn dự trữ sinh học quý giá cho nghiên cứu, ứng dụng điều trị bệnh hiểm nghèo ngay trong nước.

thanh-tuu-te-bao-goc-mau-va-mo-day-ron-trong-y-hoc-tai-tao-cleanup-1695720609.jpeg
 

Sự kỳ diệu của tế bào gốc từ máu và mô dây rốn

Tiến sĩ Thẩm Thị Thu Nga – Trưởng Lab Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết tế bào gốc là những tế bào kỳ diệu vì có khả năng tự làm mới, tăng sinh, biệt hóa và phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể như: tế bào thần kinh, tế bào cơ tim, tế bào máu, tế bào mô cơ, tế bào sụn, xương,…  Từ đó, tế bào gốc được nghiên cứu, ứng dụng để thay thế, sửa chữa các tế bào già yếu, mắc bệnh ở các cơ quan khác nhau.

“Phát hiện ra tế bào gốc là một thành tựu mới đáng kinh ngạc của y học trong một thế kỷ qua, mở ra tương lai mới cho y học hiện đại, y học tái tạo, cho phép con người kỳ vọng vào những ứng dụng to lớn trong nhiều lĩnh vực y sinh học”, Tiến sĩ Thu Nga cho biết.

bac-si-lay-te-bao-goc-day-ron-tre-so-sinh-cleanup-1695720570.jpeg
Máu và mô cuống rốn của trẻ sơ sinh – Nguồn tế bào gốc quý giá vốn từng bị coi là “rác thải y tế”.

Tế bào gốc có thể được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau như từ tủy xương, máu ngoại vi, máu dây rốn, mô dây rốn, mô mỡ, tủy răng sữa,… Mỗi nguồn tế bào đều có những ưu nhược điểm nhất định. Tế bào gốc từ tủy xương là nguồn tế bào được nghiên cứu và ứng dụng sớm nhất. Sau này, xu hướng sử dụng tế bào gốc từ máu và mô dây rốn được phát triển mạnh nhờ chúng cung cấp một lượng tế bào gốc đáng kể và có nhiều ưu điểm vượt trội.

Từ chỗ là “rác thải y tế” bị loại bỏ sau khi trẻ chào đời, máu và mô dây rốn của trẻ sơ sinh trở thành nguồn tài nguyên sinh học quý giá đối với chính em bé và những người thân trong tương lai. Tế bào gốc từ máu và mô dây rốn được xem là tế bào gốc 0 tuổi, còn non trẻ, có khả năng tăng sinh và biệt hoá tốt hơn so với các loại tế bào gốc trưởng thành, chưa bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Chúng có khả năng tương thích tốt với cơ thể người bệnh, có khả năng phù hợp miễn dịch cao, giảm thiểu nguy cơ phản ứng khi sử dụng trong điều trị.

“Máu và mô dây rốn được thu thập dễ dàng sau khi em bé chào đời. Sự kiện tốt đẹp này chỉ đến một lần trong đời và được xem là “bảo hiểm sinh học” trọn đời cho cả em bé lẫn những người thân, họ hàng. Bất cứ khi nào có nhu cầu về tế bào gốc để điều trị bệnh, thì nguồn lưu trữ tế bào gốc của chính em bé đã sẵn sàng”, tiến sĩ Thu Nga cho biết.

Công nghệ cao lưu trữ, xử lý và ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam

Theo tiến sĩ Thu Nga, việc phân lập, tăng sinh và lưu trữ tế bào gốc là những “siêu kỹ thuật” đòi hỏi các trang thiết bị máy móc hiện đại, trình độ tay nghề cao, quy trình nghiêm ngặt và các tiêu chuẩn chất lượng cao cấp được quy định bởi các tổ chức quốc tế.

bac-si-trong-phong-lab-te-bao-goc-ta-cleanup-1695720570.jpeg
Hệ thống LABO hiện đại với nhiều máy móc chuyên dụng cao cấp tại Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Ví dụ, tại Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các mẫu máu và mô dây rốn thu được sau khi em bé chào đời sẽ được đưa về hệ thống LABO hiện đại, nếu đạt chuẩn thì quá trình phân lập tế bào gốc sẽ bắt đầu. Sau đó, các tế bào gốc được lưu trữ hoặc được tăng sinh đến một số lượng nhất định, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đưa vào bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C, lưu trữ lâu dài cho tương lai.

Để đảm bảo chất lượng tế bào cho điều trị, Trung tâm tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của FDA (Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) và AABB (Hiệp hội vì sự tiến bộ của Y học truyền máu và liệu pháp sinh học, trước đây là Hiệp hội các ngân hàng máu Hoa Kỳ), từ khâu sàng lọc sản phụ, đánh giá chất lượng mẫu khi thu thập và xử lý.

Trung tâm sở hữu hệ thống phòng sạch hướng tới tiêu chuẩn ISO 14644-1 cấp độ 6, đảm bảo sản xuất tế bào gốc đạt chuẩn cao nhất cho lâm sàng. Đơn vị này còn trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, sử dụng các kỹ thuật chuyên dụng mới nhất như hệ thống phân lập tế bào gốc tạo máu SEPAX 2 được nhiều ngân hàng máu dây rốn trên thế giới ưu tiên sử dụng; hệ thống phân tích tế bào theo dòng chảy BD FACS-Canto II hiện đại bậc nhất…

“Tế bào gốc có thể được lưu trữ hàng chục năm và lâu hơn nữa. Công nghệ trữ đông tế bào gốc hiện đại có thể giúp bảo quản tế bào gốc nguyên vẹn về số lượng và chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu cho bất cứ khi nào cần dùng đến. Từ chỗ phải đến các nước tiên tiến để lưu trữ và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, hiện nay công nghệ này đã được triển khai ngay tại trong nước”, tiến sĩ Thu Nga cho biết.

Tận dụng khả năng kì diệu của nguồn tế bào gốc, y học có thể nghĩ tới khả năng tái tạo cơ thể để trẻ hoá và điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo hiệu quả. Trong hơn 10 năm qua, các nghiên cứu trị liệu tế bào gốc trên thế giới đã có những bước tiến ngoạn mục. Nhiều thuốc và dịch vụ trị liệu tế bào gốc đã được FDA cho phép ứng dụng. Từ chỗ chỉ có 2 sản phẩm đầu tiên được cấp phép năm 2018, đến nay đã có hơn 30 sản phẩm. Ngoài ra, nhiều thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc đã cho kết quả rất khả quan trong điều trị ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm khớp, liệt do chấn thương tủy sống, bại não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, rối loạn cương dương, bệnh gan, thận, bệnh Alzheimer, tự kỷ, Parkinsons, đa xơ cứng, bỏng nặng, chấn thương mất da/xương lớn, bệnh lý về mắt… Hiện nay, trên thế giới, công nghệ tế bào gốc được ứng dụng trong phòng ngừa và điều trị khoảng 80 loại bệnh khác nhau.

bac-si-nghien-cuu-phong-lab-te-bao-goc-ta-cleanup-1695720570.jpeg
Tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo.

Tại Việt Nam, ca ghép tế bào gốc tạo máu tủy xương cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy được thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7/1995. Kể từ đó, công nghệ sinh học tế bào gốc không ngừng được nghiên cứu, ứng dụng, mở ra kỷ nguyên mới cho điều trị các bệnh hiểm nghèo. Các kỹ thuật, công nghệ thu thập, phân lập, nuôi cấy và lưu trữ tế bào gốc không ngừng phát triển với chất lượng không thua kém các nước tiên tiến.

Tiến sĩ Thu Nga cho biết, tại Việt Nam, Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô, Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh tiên phong được Bộ Y tế cấp phép hoạt động với phạm vi toàn diện, khép kín bao gồm thu thập, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, nghiên cứu ứng dụng điều trị bệnh và nuôi cấy, sản xuất, cung ứng tế bào gốc cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bệnh viện đang triển khai thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối và ứng dụng PRP (huyết tương giàu tiểu cầu) trong điều trị nội mạc tử cung mỏng. Hai đề tài cấp Bộ có sự tham gia của chuyên gia từ Bệnh viện Tâm Anh là ứng dụng tế bào gốc trong điều trị giai đoạn cuối ung thư tiêu hóa và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính.

“Với chu trình khép kín, đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật cao và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chúng tôi tự hào triển khai lưu trữ tế bào gốc từ máu và mô dây rốn đạt chuẩn quốc tế ngay trong nước. Đồng thời, không ngừng đầu tư nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ tiên tiến nhất. Hiện Trung tâm đang triển khai lưu trữ tế bào gốc từ máu dây rốn, lưu trữ tế bào gốc từ mô dây rốn và lưu trữ mô dây rốn”, tiến sĩ Nga cho biết.

Theo Tâm Anh Hospital

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/te-bao-goc-mau-va-mo-day-ron-tu-rac-thai-y-te-den-y-hoc-tai-tao-tiem-nang-a11332.html