Êkíp đón trẻ gồm một bác sĩ, ba điều dưỡng, hai kỹ thuật viên luân phiên kiểm tra lồng ấp cao cấp dành cho trẻ sinh cực non, chỉnh thông số, bật chế độ sưởi ấm. Máy thở, thuốc men, dụng cụ đón trẻ được kiểm đếm đầy đủ. Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhi, tổng thời gian đón giới hạn trong vòng 1 giờ đồng hồ.
“Tình trạng bé ổn định, nồng độ oxy vừa tiêu chuẩn, nồng độ Sp02 cung cấp thấp hơn 25%. Chào mừng con đến với nhà mới bệnh viện Tâm Anh TP.HCM”, bác sĩ Hương thông báo, vừa ra dấu cho tài xế khởi hành.
Bệnh nhi là con quý của vợ chồng anh Vũ Duy Phước có được bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sau 5 năm hiếm muộn. Chị bị tăng huyết áp, chẩn đoán tiền sản giật, nhau bong non, phải mổ cấp cứu lấy thai ở 26 tuần 5 ngày… Sau sinh, người mẹ nguy kịch, hôn mê sâu, được điều trị tích cực kéo dài. Khi xuất viện về nhà, sản phụ đau bụng dữ dội, nhập BVĐK Tâm Anh cấp cứu, bác sĩ phát hiện chị xoắn ruột, phải phẫu thuật gỡ xoắn.
Bé gái sinh cực non, tím tái không thở được, được bóp bóng hồi sức, sống lệ thuộc vào máy thở, không tăng cân sau hơn 20 ngày được nuôi dưỡng tích cực. Nằm chung một lồng ấp, bé bị nhiễm khuẩn chéo gây viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản thở máy, tình trạng diễn biến nặng, tiên lượng rất xấu. Để cứu con, anh tìm đến TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ Sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM – vị chuyên gia tiên phong đưa phác đồ giờ vàng cứu trẻ sinh cực non về Việt Nam và cứu hàng trăm đứa trẻ sinh non mắc bệnh lý phức tạp hồi sinh trước cửa tử.
TS.BS Cam Ngọc Phượng cho biết, nếu thiếu trang thiết bị chăm sóc tối ưu, em bé có thể tử vong do không vượt qua tình trạng suy hô hấp nặng, hoặc phải lệ thuộc máy thở suốt phần đời còn lại. Tại BVĐK Tâm Anh, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở hiện đại, đặt dinh dưỡng với đường truyền tĩnh mạch trung tâm. Bé dần được cai thở nội khí quản, chuyển qua sử dụng chế độ thở không xâm lấn bằng máy thở hiện đại nhất, điều trị viêm phổi, sàng lọc các nguy cơ thiếu máu, vàng da, bệnh lý võng mạc…
Trung tâm Sơ sinh huy động toàn bộ nhân lực tập trung chăm sóc 24/24, phối hợp đa chuyên khoa Tim bẩm sinh, Ngoại nhi thăm khám, hội chẩn. Hai tháng trôi qua, từ một bệnh nhi vỏn vẹn 800 gram, thở thoi thóp, viêm phổi nặng, bé gái đã khỏe mạnh, phát triển tốt, tự thở khi trời. Bé tự bú mẹ, cân nặng tăng lên 2,3kg. Bé gái khỏe mạnh xuất viện về với gia đình vào cuối tháng 7.
“Gần như ai cũng sốc khi chứng kiến ca bệnh là trẻ sinh non rất phức tạp, bị nhiễm trùng nặng, đôi khi kèm các bệnh tiền phẫu, hậu phẫu. Đưa một em bé bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay của cha mẹ là hạnh phúc và động lực lớn nhất mà bác sĩ Sơ sinh theo đuổi”, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương – Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM – chia sẻ.
Để hoàn thành sứ mệnh khó khăn, TS.BS Cam Ngọc Phượng, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương cùng bắt tay xây dựng Trung tâm Sơ sinh lớn tại khu vực phía Nam, tương lai sẽ trở thành một trung tâm khám chữa bệnh công nghệ cao sánh ngang khu vực và thế giới. Mục tiêu là cứu được trẻ sinh non và cực non, có thể ở mức 22-25 tuần.
Với quy mô 50 giường hồi sức nuôi trẻ sinh non và cực non, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh đầu tư hệ thống lồng ấp Giraffe nhập khẩu từ Mỹ và giường sưởi hiện đại nhất nhì trên thế giới; hệ thống Neopuff hồi sức trẻ sinh non giúp kiểm soát nồng độ oxy; máy thở cao cấp của Drager thế hệ mới nhất nhập khẩu từ Đức chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh; đầu tư xe chuyển viện chuyên dụng cho dành cho trẻ sơ sinh, sẵn sàng đón trẻ nhanh chóng từ mọi nơi. Ngoài ra, khi trẻ có vấn đề não thiếu máu hay thiếu oxy cục bộ, trung tâm cũng sẵn sàng hệ thống hạ thân nhiệt chủ động.
Trung tâm Sơ sinh được thiết kế nằm bên cạnh Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Tim mạch – cơ sở then chốt để áp dụng được phác đồ “phút vàng” cho bé sinh non, cực non. Theo tiến sĩ Phượng, hiện nay, phác đồ “phút vàng” chưa được triển khai rộng rãi do nhiều đơn vị thiếu thiết bị máy móc chuyên dụng hiện đại; đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm thực hiện; cũng như quy trình gắn kết chặt chẽ giữa đơn vị Sản – Sơ sinh.
Khi các bác sĩ chuyên khoa Sản dự đoán một ca nguy cơ sinh non hoặc cực non, ê-kíp từ Sản khoa – Sơ sinh và Tim bẩm sinh, Hồi sức sơ sinh… sớm tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa. Các bác sĩ Sản khoa truyền thuốc cho thai phụ nhằm bảo vệ não và phổi của thai nhi khi chào đời. Ê-kíp Sơ sinh túc trực ngay phòng sinh với đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng hiện đại nhất. Trẻ sinh ra được kẹp rốn chậm hơn 30-60 giây, can thiệp hồi sức, cấp cứu nhanh chóng, chuẩn xác ngay trên bụng mẹ trong 60 phút sau khi bé chào đời bởi các y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc chuyên dụng, hiện đại
“Khoảng thời gian kịp thời tiếp cận, xử trí cấp cứu em bé ngay sau sinh là thời gian quan trọng nhất đối với em bé, bởi nếu cấp cứu đúng chuẩn, em bé sẽ có cơ hội sống cuộc đời bình thường của một đứa trẻ, hạn chế tối thiểu biến chứng, di chứng đáng tiếc”, Tiến sĩ Phượng cho biết.
Tiến sĩ Phượng đánh giá đây là quy trình lý tưởng, giúp cứu sống trẻ sinh non và giảm thiểu nguy cơ biến chứng, di chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng máu hay kém phát triển về trí não, miễn dịch. “Chúng tôi luôn tâm niệm nhất định phải đưa những em bé rời khỏi lồng kính, giường hồi sức, trở về nơi em thuộc về”, nữ bác sĩ trải lòng.
Không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh đã trở thành nơi tiếp nhận, điều trị cho những em bé sinh cực non, tuổi thai nhỏ từ khắp nơi chuyển đến. Hơn 2 năm phát triển, bệnh viện đã thực hiện hàng chục chuyến xe “giải cứu” đến các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và tỉnh lân cận đón trẻ sinh cực non tiên lượng nặng về điều trị.
“Có những bé đón về chúng tôi tiên lượng chỉ còn khoảng 5-10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kip bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng. Đến thời điểm này, các em đều được cứu sống, khỏe mạnh”, bác sĩ Phượng tự hào.
Những cái tên bé Bông “não úng thủy – nhiễm trùng sơ sinh – nhiễm nấm huyết – viêm phổi – ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non) – cực non”, Messi “sinh non 25 tuần, viêm phổi nặng, chỉ số SpO2 thấp, còn 5-10% cơ hội sống”, bé Na “bệnh màng trong (Hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sinh non – RDS), xuất huyết trong não thất, nhiễm trùng sơ sinh, bệnh lý võng mạc (ROP)”… đã hồi sinh kỳ diệu từ cái nôi Sơ sinh Tâm Anh.
Theo Tiến sĩ Phượng, những trường hợp sinh quá non, bệnh nặng, có biến chứng nhiễm trùng sơ sinh được chuyển từ đơn vị khác về thì thời gian điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Tuy nhiên, nghị lực sống phi thường, tình yêu thương và niềm tin của gia đình, cộng thêm bé được nuôi dưỡng trong trung tâm hồi chăm sóc 24/7 của đội ngũ y bác sĩ nơi bé chào đời, và tiếp tục chữa bệnh, nuôi dưỡng tại trung tâm hồi sức hiện đại của BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã viết nên những “câu chuyện cổ tích”.
Theo thống kê của UNICEF, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Tử vong sơ sinh vẫn chiếm tới 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi.
Báo cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót. Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 có cơ hội sống sót khoảng 78%. Trẻ sinh non sau 28 tuần tuổi có khả năng sống sót lên đến 80-90%. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Tử vong sơ sinh vẫn còn chiếm tới 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi.
Với lợi thế nằm trong bệnh viện đa chuyên khoa, hội tụ nhiều chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh ấp ủ những mục tiêu lớn, nhân văn hơn: Hồi sức và hỗ trợ trẻ sinh non chuyên sâu. Cụ thể, các ca bệnh là trẻ sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm); trẻ mắc dị tật bẩm sinh như dị tật đường tiêu hóa cần can thiệp sớm (không hậu môn, phình đại tràng bẩm sinh, tắc tá tràng, tắc – teo ruột; dị tật gây suy hô hấp cấp (hở môi và khe hở vòm hầu, thoát vị màng não tủy, thoát vị rốn, thoát vị hoành, teo dò khí khí thực quản); dị tật cơ – xương – khớp; dị tật tim bẩm sinh…
“Hồi sức sơ sinh là ngành phát triển rất nhanh. Do đó, chúng tôi không ngừng cập nhật để nâng cao chuyên môn trong thực hành lâm sàng, mang đến cơ hội sống, sống khỏe mạnh nhiều hơn cho trẻ sinh non”, TS.BS Cam Ngọc Phượng nói.
Theo Tâm Anh Hospital
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ky-thuat-cao-trong-nuoi-tre-sinh-cuc-non-a11326.html