Mổ trong bụng mẹ, cứu sống hàng trăm thai nhi

Tháng 2/2018, lần đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng Truyền máu song thai – một biến chứng Sản khoa nguy hiểm.

“Thẻ xanh” Tâm Anh cứu thai nhi gặp hội chứng truyền máu

Sản phụ Nguyễn Minh Thu (39 tuổi) mang song thai cùng trứng sau nhiều năm điều trị hiếm muộn. Tuần 20, thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai. Ngay sau khi được bác sĩ điều trị giới thiệu về nơi điều trị truyền máu song thai tốt nhất, chị đã tìm đến ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – chuyên gia về y học bào thai, người đầu tiên mổ trong bụng mẹ cứu song thai gặp hội chứng truyền máu nguy hiểm.

Chị Thu di chuyển nặng nề, khó nhọc bởi bụng đã chướng to, tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Dù ThS.BS Hiền Lê đã kín lịch hẹn đến gần 10 ngày, nhưng đã ngay lập tức sắp xếp chị Thu khám cấp cứu.

Một thai đã có dấu hiệu tim đập rời rạc, có dấu hiệu phù toàn thân, tràn dịch màng tim, bụng đầy dịch và mất sóng A của ống Arantius. Thai còn lại cơ hội sống cũng rất mỏng manh. Chỉ định phẫu thuật cho chị Thu ngay lập tức được đưa ra bởi tình trạng truyền máu song thai đã ở giai đoạn IV – giai đoạn muộn nhất để có thể cứu được thai nhi.

Ca phẫu thuật cấp cứu thai ngay trong bụng mẹ kéo dài 3 tiếng. Bác sĩ Hiền Lê cùng ekip can thiệp thành công, cứu cả hai thai nhi.

“Thành công này không chỉ từ vai trò của bác sĩ phẫu thuật, mà còn đến từ trách nhiệm, sự nhanh nhạy và lòng trắc ẩn của toàn bộ ê-kíp, hộ sinh, điều dưỡng…”, bác sĩ Hiền Lê nói.

6 năm về trước, tất cả những trường hợp song thai bị hội chứng truyền máu đành chấp nhận mất con. Một vài trường hợp chấp nhận tốn kém tiền bạc sang nước ngoài điều trị. Nhưng rào cản ngôn ngữ, thủ tục, chạy đua với thời gian khiến họ trắng tay. Vừa tốn kém, vừa không cứu được con…

Sau hơn 5 năm, kể từ ca điều trị truyền máu song thai đầu tiên, BVĐK Tâm Anh trở thành điểm tựa của những thai phụ không may mắc hội chứng này. Hàng trăm trường hợp điều trị truyền máu song thai được phẫu thuật thành công. Gần 1.000 thai nhi đã được cứu sống, chào đời khỏe mạnh.

Cũng từ đó, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, những sản phụ bị truyền máu song thai đều được sở hữu Thẻ xanh – ưu tiên hàng đầu trong mọi trường hợp, vì từ nhân viên y tế đến bác bảo vệ cũng hiểu rằng, cơ hội cứu được thai nhi trong bụng mẹ chỉ đến trong tích tắc, không thể chậm trễ.

em-be-khoe-manh-chao-doi-cleanup-1695707093.jpeg
Những em bé khỏe mạnh chào đời.

Làm chủ kỹ thuật đỉnh cao trong y học bào thai

Là một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Hiền Lê thực hiện thành công hàng trăm ca điều trị truyền máu song thai tại Việt Nam, nhưng khi bước vào phòng mổ cứu những thai nhi kém may mắn vẫn luôn là sự lo lắng và áp lực đè nặng. “Làm bác sĩ phẫu thuật y học bào thai cũng giống như công binh phá mìn, nếu thất bại hầu như sẽ không có cơ hội làm lại.

Sinh mạng của thai nhi đều phụ thuộc vào ca mổ. May mắn thành công có thể cứu được một hoặc hai thai nhi, nhưng thất bại thì cả hai thai đều không còn cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Và sẽ có những trường hợp đôi vợ chồng đó không còn may mắn được làm cha, làm mẹ”, bác sĩ Hiền Lê chia sẻ.

Thành công nhiều mà thất bại vẫn có khả năng xảy ra. Đã hơn 5 năm kể từ ca mổ đầu tiên được thực hiện thành công, bác sĩ Hiền Lê cùng ekip đã trải qua một chặng đường dài, chịu những áp lực hữu hình và vô hình mà chỉ người trong cuộc cảm nhận được. “Tuy vậy, sau mỗi ca thành công, cảm xúc của bác sĩ như nở hoa, đó là món quà tinh thần tuyệt vời nhất mà những bác sĩ phẫu thuật y học bào thai nhận được”, bác sĩ Hiền Lê bộc bạch.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5-2% số trẻ mới sinh. Số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ. Qua sàng lọc trước sinh, gần 300 trường hợp bị đình chỉ thai nghén do bệnh lý và khuyết tật thai nhi.

Trước những con số đáng báo động này, y học bào thai xuất hiện và được coi là kỹ thuật đỉnh cao nhất thế giới trong Sản khoa. Các bác sĩ có thể chẩn đoán, phát hiện bất thường của thai nhi trước khi chào đời nhằm đưa ra tiên lượng và xử lý tổn thương kịp thời cho bào thai ngay trong bụng mẹ. Kỹ thuật này hỗ trợ đánh giá nguy cơ tái phát và đưa ra những biện pháp phòng ngừa ở những lần mang thai sau, mục đích giữ một thai kỳ khỏe mạnh.

Y học bào thai được ứng dụng vào các lĩnh vực như: chẩn đoán trước sinh thông qua các xét nghiệm sàng lọc (siêu âm, bấm ối, nhau thai, xét nghiệm NIPT, xét nghiệm gen…), can thiệp điều trị bất thường thai nhi đảm bảo thai nhi khỏe mạnh chào đời. Việc can thiệp điều trị ngay khi còn trong bụng mẹ đòi hỏi trang thiết bị hiện đại cũng như kinh nghiệm và tay nghề cao của bác sĩ.

Phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai là một trong những kỹ thuật đặc biệt của y học bào thai. Truyền máu song thai (Twin-twin Transfusion Syndrome – TTTS) là hội chứng thường xảy ra khi người mẹ đang mang thai một cặp song sinh cùng trứng, chung bánh nhau, nhưng khác túi ối. Đây là một tai biến sản khoa vô cùng nghiêm trọng. Hội chứng này xảy ra với khoảng 15% trường hợp mang song thai có chung một bánh nhau và chiếm tỷ lệ 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra. Tỷ lệ tử vong khi mắc truyền máu song thai là 80 – 100% trước 26 tuần nếu không điều trị kịp thời.

“Trong trường hợp hiện tượng truyền máu song thai xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi tử vong gần như 100% nếu không được can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật”, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết.

ca-sinh-mo-tai-tam-anh-cleanup-1695706886.jpeg
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, một trường hợp điển hình về hội chứng truyền máu song thai đã điều trị thành công gần đây tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Với mong muốn đem lại một thai kỳ trọn vẹn cho mọi sản phụ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tin rằng, những bà mẹ không may mắc phải hội chứng Truyền máu song thai sẽ không phải lặn lội ra nước ngoài tìm cơ hội cứu con mà có thể được điều trị ngay tại trong nước bởi chính bàn tay, khối óc và trái tim của những bác sĩ Việt Nam.

Theo Tâm Anh Hospital

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/mo-trong-bung-me-cuu-song-hang-tram-thai-nhi-a11325.html