Một ngàn gia đình

Chùm ảnh thể hiện cảm xúc đa chiều - từ buồn chán, kiên cường, lo lắng, yêu thương, giận dữ và hài hước - của những con người đang chịu cảnh cách ly do dịch bệnh tại Trung Quốc.

“Chúng tôi ở trong nhà 24 giờ một ngày”, ông Luo Dawei từ nhà mình ở Thiên Tân nói chuyện qua điện thoại. “Chúng tôi không thể đi đâu được, cũng không thể đặt hàng, vì chẳng có ai đi giao hàng cả. Từ tốt nhất để mô tả cuộc sống ngay lúc này đó là tù ngục”.

Ông Luo, giống như nhiều đồng bào của mình, mới đầu năm Canh Tí đã phải chịu đựng hoàn cảnh khá ngặt nghèo. Mặc dù sống cách tâm dịch ở Vũ Hán hàng ngàn cây số, ông phàn nàn “quận của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong số các quận ở thành phố Thiên Tân”.

Bị mắc kẹt ở nhà không có nghĩa là ông thiếu việc để làm.

Kể từ năm 2017, ông Luo đã điều hành Fengmian, một nền tảng cộng đồng ảnh đương đại trực tuyến sáng tạo, tự hào có hơn 63.000 người đăng ký. Nền tảng này hiện đang là nguồn chứa một trong những dự án có tác động lớn nhất cho đến nay, mang tên “Một ngàn gia đình”, mô tả chân dung của các gia đình Trung Quốc bị dịch virus Corona ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ý tưởng cho bộ ảnh “Một ngàn gia đình” (One Thousand Families) đến từ nhiếp ảnh gia Wu Guoyong, người có sự nghiệp đi lên từ cộng đồng Fengmian. Chùm ảnh “No place, To Place” của ông Wu, nói về hiện trạng môi trường do sự bùng nổ rồi tan vỡ nhanh chóng của dịch vụ chia sẻ xe đạp. Chùm ảnh đã được trưng bày trên toàn cầu, bao gồm các lễ hội lớn ở Trung Quốc và các phòng trưng bày ở Nga, Pháp và Campuchia.

Ông Wu, hiện đang sống ở Thâm Quyến, là người gốc Hồ Bắc, nơi COVID-19 xuất hiện từ cuối năm 2019. Trong số gần 75.000 ca nhiễm được xác nhận cho đến nay, hơn 80% là ở tỉnh Hồ Bắc.

“Khi khủng hoảng thực sự bắt đầu, tôi đang ở nhà ở Tương Dương (Hồ Bắc) để đón năm mới”, ông Wu kể lại: “Tôi đã định ở thêm vài tuần nhưng người thân thúc giục tôi đi khỏi đây ngay trước khi quá muộn. Tôi lái xe trở lại Thâm Quyến và hôm đấy mưa cả ngày, làm ẩm hết pháo hoa. Không khí rất ảm đạm. Khi chúng tôi trở lại Thâm Quyến, sở cảnh sát địa phương yêu cầu chúng tôi tự cách ly ở nhà. Vì tôi đến từ Hồ Bắc, họ phải liên tục kiểm tra tôi mỗi ngày.”

Chính việc phải cách ly ở nhà khiến tinh thần sáng tạo trong ông Wu nổi lên.

“Tôi bắt đầu nghĩ về bầu không khí khắp cả nước, chắc hẳn rất khủng khiếp”, ông cho biết. “Toàn là tin kinh hoàng. Mọi người đều bị mắc kẹt ở nhà trong tuyệt vọng. Rồi tôi nghĩ: có lẽ chúng ta có thể cùng nhau làm điều gì đó sáng tạo. Vì truyền thống của người Hoa là chụp chân dung gia đình mỗi dịp tết, tôi tự hỏi liệu mọi người có thể dùng nhiếp ảnh để làm tài liệu về dịp tết giữa đợt dịch này không. Nhưng tôi cần nghĩ ra cách làm thế nào tiếp cận được nhiều người”.

Thế là ông Wu liên lạc với Luo Dawei.

“Wu là một nghệ sỹ nhạy cảm với khó khăn của con người”, ông Luo cho biết. “Anh ấy nói tôi nghe ý tưởng của mình, tôi đã dành một ngày suy nghĩ và quyết định hợp tác với anh ấy. Chúng tôi quảng bá chiến dịch trên Fengmian cho tất cả người theo dõi và đề nghị họ chụp hình ghi lại ngày tết của họ ra sao khi bị cách ly chính thức hoặc không chính thức”.

Phản hồi họ nhận được vượt xa cả mong đợi.

Anh Wu giải thích: “Chúng tôi bắt đầu vào ngày 30.1 và nhanh chóng nhận được rất nhiều tấm ảnh. Chúng tôi chọn những tấm đẹp nhất và đăng lên mạng”. Dự án nhận được sự chú ý của nhà mạng lớn nhất Trung Quốc: Tencent đã chia sẻ dự án này lên ứng dụng di động của mình. Wu cho biết tính đến nay đã có hơn 16.000 người đã tham gia vào bộ sưu tập này.

“Chúng tôi thực sự cảm động vì sự ủng hộ nhiệt tình này”, ông Luo cho biết. “Và chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc triển lãm ảnh, khi khủng hoảng này qua đi. Chúng tôi quyết định mời những người bạn trong giới nghệ thuật cùng tham gia. Chúng tôi đã đề cập chuyện này với họ, và họ cũng đã cung cấp cho chúng tôi những bức ảnh đầy sắc thái, kịch tính, hoặc thậm chí cả ảnh trừu tượng. Họ đã đưa dự án lên một tầm cao mới.”

Trong số những người đóng góp có Lu Tingchuan, Zhang Xiaowu, Wang Xiangyang, Liu Shutong, Li Lin, Luo Jinqian, Qian Haifeng và Coca Dai (Dai Jianyong).

Những bức ảnh vô cùng đa dạng, dù cùng chung chủ đề. Cả các nhiếp ảnh gia nghiệp dư và chuyên nghiệp đều nỗ lực ghi lại sự nhàm chán, cô lập, nỗi lo lắng và sự sẻ chia thấu cảm mà họ đang trải nghiệm.

Là người xem, chúng ta thấy được người thân của những nhiếp ảnh gia qua tấm khẩu trang đang nhìn về phía ống kính camera, những đôi mắt toát ra những cảm xúc khác nhau, từ lo lắng, u sầu cho đến quyết tâm, tự kỷ luật cao độ. Chúng ta làm chứng cho những khoảnh khắc gần gũi khi họ chăm sóc lẫn nhau và bông đùa trước hoàn cảnh oái oăm đang gặp phải.

Trong khi một số nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh để phê phán các nhà chức trách, những người khác cố gắng nắm bắt những khía cạnh nhẹ nhàng, ẩn sâu trong cuộc sống của chính họ ngay trong đợt cách ly quy mô nhất thế giới này.

“Bạn biết đấy, trong tiếng Trung Quốc, từ “gia” nghĩa là nhà, là gia đình, tổ ấm”, ông Wu giải thích: “Năm mới âm lịch là dịp cả “nhà” đoàn tụ. Dịch virus này đã đánh trúng tâm điểm văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi muốn thể hiện được tác động này lớn thế nào từ ngay nội tại gia đình”.

Dưới đây là một số tấm hình tuyển chọn từ chùm ảnh, tất cả lời tựa đề đều được viết bởi chính những người gửi hình gốc.

Wu Guoyong, Thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Bức chân dung gia đình này được chụp ở nhà bố vợ tôi trong bữa tối đêm giao thừa ngày 24.1.2020. Vào ngày hôm đó, Vũ Hán thông báo phong tỏa. Mặc dù Tương Dương lúc đó chưa chính thức xác nhận ca nhiễm nào, nhưng đã có nhiều ca nghi ngờ. Suốt bữa tối, mẹ vợ tôi nói rằng chúng tôi nên nhanh chóng quay về Thâm Quyến. Mất 16 giờ vượt 1.300 cây số chúng tôi mới về đến nhà vào ngày mồng Một. Sau đó chúng tôi phải tự cách ly ở nhà, nơi ngày nào tôi cũng phải báo cáo thân nhiệt.

Liu Weiguang, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ngày 30.1.2020. Tết luôn là sự kiện vui vẻ. Cha tôi đã xuống phố mua pháo hoa cho cháu nội. Ông mua một cặp đèn lồng và một đĩa 10.000 pháo bông. Vì dịch bệnh nên ông phải đeo khẩu trang. Tôi chụp bức hình ông bên cạnh chữ “Phúc” nghĩa là may mắn.

Li Lin, Thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông. Ngày 9.2.2020 đáng lẽ ra là ngày đầu đi học lại sau Tết. Nhưng vì dịch bùng phát, các tiết học được dạy online. Đây là con gái tôi đang học ở nhà thông qua truyền hình trực tiếp của nhà trường. Thành phố chúng tôi lúc này chưa có ca nhiễm nào.

Zhang Xiaowu, Hàng Châu, Chiết Giang. Trên đường trở về Hàng Châu đón Tết, tôi biết được dịch bùng phát nhưng không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến nỗi tôi phải tự cách ly mình trong nhà. Tôi cảm thấy không còn cuộc sống cá nhân nữa. Đây là sự thật và rất đáng buồn. Tôi tự chụp hình mình dưới một bóng đèn mờ. Tôi cố để tìm hướng, để xem ánh sáng bắt đầu từ đâu. Tôi tiêu hóa một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày để cố gắng hiểu sự thật, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi chẳng thể nhìn ra sự thật. Tôi cho rằng mình đang muốn biết rồi sau tất cả mọi sự có khác đi không.

Wang Meng, Nghĩa Ô, Chiết Giang. Ông bà tôi đến Nghĩa Ô để ăn Tết. Đây là chân dung cả gia đình tôi. Chúng tôi đều diện bộ đồ đẹp nhất và cổ vũ “Vũ Hán cố gắng nữa lên”.

Zhao Youzhu, Nội Mông, ngày 12.2.2020. Trong suốt kỳ nghỉ Tết kéo dài năm 2020, mọi người đều đã tự cách ly ở nhà. Trong hơn 10 ngày, bọn trẻ nhà tôi dựng lều trong phòng khách, mang đủ thứ vào lều, và “đi cắm trại trong nhà”. Hình ảnh này có lẽ khắc họa tốt nhất những gì dân tộc chúng tôi đang trải qua. Một thế giới nhỏ trong một thế giới lớn, trong một thế giới lớn hơn.

Qian Haifeng, Vô Tích, tỉnh Giang Tô, ngày 7.2.2020. Trong dịp Tết năm nay, giống như hầu hết các năm khác, tôi đã bắt 10 chuyến tàu đi khắp Trung Quốc để chụp ảnh những người lao động nhập cư, bao gồm cả ở Hồ Bắc, nơi bắt nguồn dịch bệnh này. Theo quy định chính thức, khi về đến nhà tôi phải tự cách ly hai tuần. Tôi rất lo lắng. Hơn nửa thập kỷ qua tôi đã đi du lịch khắp Trung Quốc và gặp nhiều rắc rối còn tồi tệ hơn. Tôi đã đánh bại cả ung thư. Điều duy nhất làm tôi không thoải mái là vì tôi đang sống với bố mẹ, nên phải tự cách ly mình trong phòng càng nhiều càng tốt. Trong những ngày cô đơn này, cộng đồng sẽ cử người đến giao đồ ăn cho tôi và đặt ngoài cửa. Phòng khám địa phương theo dõi tình hình sức khỏe của tôi, và khi tôi hoàn thành 14 ngày cách ly, tôi đến đó để lấy cuốn sổ theo dõi cách ly của mình. Tôi đã đề nghị người nhân viên cộng đồng này chụp ảnh, nói rằng: “Trong thời điểm khác thường này, phải có hình gì đó để kỷ niệm chứ”.


Jieda Xihuan (bí danh trên mạng). Tôi không thể đi đâu được. Tôi lướt Weibo trên mạng, đọc những gì mọi người đang nói, nhưng không chắc mình phải nói gì. Do vậy tôi chụp tấm hình này để bày tỏ cảm giác của mình như thế nào trong cuộc khủng hoảng này.

Shi Tou, Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, ngày 6.1.2020.

Ye Qiang, Thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, ngày 11.2.2020. Đã 20 ngày kể từ khi thành phố bị đóng cửa. Mặc dù chúng tôi không ở tâm dịch, chúng tôi vẫn ý thức không đi ra ngoài. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể ra sân hít thở không khí trong lành và ngó ra ngoài thế giới thông qua cánh cổng khu dân cư của mình.

Zhu Wenxia, Thành phố Lu Châu, tỉnh Sơn Đông, ngày 30.1.2020. Vợ chồng tôi dâng lời chúc mừng năm mới: “Vũ Hán hòa bình, Trung Quốc yên bình”.

Luo Jinqian, Liễu Châu, Khu tự trị Quảng Tây, ngày 31.1.2020. Ngày mồng Một là sinh nhật của mẹ chồng tôi, bà năm nay bước sang tuổi 85. Vì sự lây lan của virus nên chúng tôi không dám ra ngoài đặt bánh kem. Chúng tôi tìm thấy một hộp nhỏ đựng nến sinh nhật, thế là chúng tôi nhét nến vào quả cam và chụp tấm hình này để cố gắng và cổ vũ mọi người.

Zhu Weibin, huyện Viễn An, tỉnh Hồ Bắc, ngày 12.2.2020. Bữa tối giao thừa thật khó chịu. Tôi nhận được tin nhắn lúc 10 giờ tối rằng thị trấn Hiếu Cảm đã bị phong tỏa. Tôi thuyết phục được ba mẹ cùng tôi về Viễn An. Khi tiếng chuông báo hiệu năm mới vang lên, chúng tôi đang băng qua cao tốc phía bắc Hiếu Cảm. Chúng tôi đến nơi lúc 4 giờ 30 phút sáng. Sau 14 này tự cách ly, chúng tôi thấy bồn chồn vô cùng. Tôi biết là ba mẹ muốn ra ngoài, vì thế vào ngày 12.2.2020, khi mẹ tôi mừng sinh nhật bà 79 tuổi, không bánh, không hoa, không quà, chỉ có mỗi bức hình gia đình này, chụp ngay trong sân nhà tôi.

Coca Dai, Thượng Hải. Chính quyền đã phong tỏa thành phố được 13 ngày. Chúng tôi bị kẹt ở nhà cả ngày và chẳng thể ra ngoài. Con trai tôi, Dai Zhu, phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đi chơi. Cậu bé nói cậu chuẩn bị đi dọa con virus đây. Đằng sau là vợ tôi, Zhu Fengjua.

Li Yonghong, Lâu Để, Hồ Nam, ngày 4.1.2020. Trong dịp Tết, tôi từ Thâm Quyến về Hồ Nam để đón năm mới, khi tôi đang tụ họp với bạn bè thì công khai bùng phát dịch. Gia đình tôi bị kẹt ở nhà và chúng tôi không dám đi đâu cả. Khi thời tiết tốt lên, chúng tôi chỉ đi hít thở không khí trên sân thượng tòa nhà. Bạn thấy đấy, không ai đoái hoài diện đồ Tết. Đầu năm Canh Tí mà chúng tôi chỉ mặc đồ ngủ thôi.

Huang Xiaoxin, Thâm Quyến, ngày 1.2.2020. Vài năm trước khi tôi mới từ Tây Tạng lạnh giá trở về Thâm Quyến, tôi rất hạnh phúc được ở đây. Tôi không ngờ mọi sự thành ra thế này. Virus Vũ Hán đã càn quét đất nước này như cơn sóng thần và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi. Giờ tôi lại nhớ những rặng núi, những dòng sông và không khí ở vùng cao nguyên.

Tang Ling. Vì virus lây truyền trong không khí, cha con ở nhà suốt mấy ngày Tết và chơi cờ.

Guo Zhihua, Thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, ngày 5.2.2020. Cô Liu đang tập yoga ở nhà để giữ sức khỏe trong dịch virus Corona.

Tang Tang. Gió lạnh rít ngoài cửa sổ, bà tôi thiu thiu ngủ, luồn tay trong áo cho đỡ lạnh. Cả nhà tôi bị mắc kẹt cùng nhau trong dịp Tết này, nhưng tôi cảm nhận được sự cô đơn của bà. Người già là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Shi Youzi. Đây là lần đầu tiên tôi về nhà ăn Tết sau 10 năm trời. Không ngờ dịch bệnh làm cho Hồ Bắc thành nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đầu tiên tôi làm mỗi sáng thức dậy là vội vàng xem tin tức, để xem số người nhiễm bệnh, bác sỹ đang điều trị cho họ, sự hỗ trợ từ tất cả các phía; và cố gắng ước lượng tiến triển của chương trình điều trị quốc gia.

Vô danh. Ngày 7.2.2020, bác sỹ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus Corona nhưng bị bắt im lặng sau đó, đã qua đời. Cái chết của bác sỹ Lý đã dấy lên sự căm phẫn khắp đất nước. Những cô gái này đang dũng cảm lên tiếng: “Có lý nào chúng tôi lại không hiểu”.

Wang Feng, ngày 26.1.2020. Tết là dịp cả nhà tôi cùng chụp ảnh chân dung, nhưng năm nay vì dịch bệnh, ông tôi không thể chụp chung với cả nhà. Mỗi lần xem tấm hình này tôi lại thấy nuối tiếc.

Wang Xin, Trùng Khánh. Gia đình chúng tôi trở về nhà sau khi đi thăm bà ngoại ở Vũ Hán, nơi xuất phát dịch bệnh, chỉ một ngày trước khi thành phố này bị đóng cửa. Do mức độ lây lan của dịch bệnh, chúng tôi được lệnh phải ở trong nhà tự cách ly 14 ngày. Tờ giấy mà bạn nhìn thấy dưới bậu cửa kia là thông báo cách ly của chính quyền. Ngày nào cũng có người từ trung tâm thành phố đến đo nhiệt độ cho chúng tôi và khử trùng khu vực.

Những hình ảnh được Thomas Bird tuyển chọn

Theo Supchina

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/mot-ngan-gia-dinh-a1121.html