Nhà quản lý cần làm gì để quản lý rủi ro ở doanh nghiệp?

Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo về Quản lý (VIM), để đề phòng rủi ro có thể xảy ra, các doanh nghiệp vừa nhỏ phải có ý thức về việc đó, tức là người quản lý doanh nghiệp phải quản lý rủi ro.

Khái niệm quản lý rủi ro của doanh nghiệp

Quản lý rủi ro là một môn khoa học mới, nhằm nghiên cứu những biện pháp và sách lược đề phòng rủi ro của doanh nghiệp. Công việc của nó là phân tích nguyên nhân xảy ra rủi ro, quá trình xảy ra rủi ro, những quy tắc, phương pháp và cơ chế hành vi để phòng ngừa nguy cơ, ngăn ngừa rủi ro từ giai đoạn còn tiềm ẩn.

Những dấu hiệu của rủi ro

Công ty Vương An vào thời kỳ thịnh vượng nhất có tổng giá trị tài sản là 3 tỷ USD. Bản thân ông Vương An có 2 tỷ USD và là 1 trong 10 người giàu nhất ở Mỹ. Nhưng do bảo thủ trong quản lý, những quyết định sai lầm, sắp xếp nhân sự không thỏa đáng, đã khiến cho công ty từ chỗ là niềm kiêu hãnh của người Hoa ở nước ngoài đã bị phá sản vào ngày 18 tháng 8 năm 1992.

Rủi ro của một doanh nghiệp thường có 5 dấu hiệu. Nếu những dấu hiệu đó xuất hiện, người lãnh đạo doanh nghiệp phải lập tức chú ý và có biện pháp cần thiết.

Những dấu hiệu về hành vi của nhà quản lý

Nhà quản lý không tin cấp dưới, nghi ngờ cấp dưới một cách nặng nề, cố chấp khiến cho cấp dưới không phát huy được năng lực, đối xử với cấp dưới không công bằng, ức hiếp đồng sự, không lắng nghe đề nghị của cấp dưới, dễ dãi với bản thân, quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên lủng củng.

20220929150033127-quan-tri-rui-ro-doanh-nghiep-03-1694580087.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Những dấu hiệu về sách lược quản lý

Kế hoạch kinh doanh không chi tiết, chu đáo, tuỳ tiện điều chỉnh giá sản phẩm, không có khả năng ứng biến khi môi trường khách quan có thay đổi như thị trường thay đổi, chính sách thay đổi, đầu tư vào những việc không liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp.

Những dấu hiệu về môi trường kinh doanh

Môi trường khách quan của doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi nhưng doanh nghiệp không có biện pháp đối phó; đối thủ cạnh tranh mạnh xuất hiện nhưng doanh nghiệp không phủ, dư luận xã hội chê trách; nội bộ doanh nghiệp không đoàn kết, cán bộ cốt cán của doanh nghiệp bỏ đi làm chỗ khác, công nhân viên có nhiều ý kiến với lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí phao tin đồn nhảm về tình hình doanh nghiệp với người bên ngoài.

Những dấu hiệu về tình hình doanh nghiệp

Tỷ lệ giữa lợi nhuận thường xuyên và doanh số bán hàng giảm mạnh hoặc hầu như không có lãi, mức tăng trưởng của lợi nhuận thường xuyên giảm mạnh, tỷ lệ giữa số lãi tiền vay và doanh số bán hàng gần bằng hoặc vượt quá 6%, số tiền nợ trong kinh doanh tăng gần 4 lần hoặc hơn 4 lần, tỷ lệ giữa lợi nhuận thường xuyên và tổng số tài sản giảm mạnh, tỷ lệ vốn tự có giảm mạnh, tỷ lệ giữa tài sản lưu động và số nợ ngắn hạn dưới mức 150%, việc chi trả các khoản tiền cần chi trong kinh doanh chậm trễ, việc trả lương cho công nhân viên chậm.

Những dấu hiệu về hiện trường sản xuất

Tình hình trong phân xưởng, nơi làm việc lộn xộn, mất trật tự. Trong phân xưởng không có việc làm, tinh thần công nhân sa sút, kỷ luật lỏng lẻo,

Khi xuất hiện một phần hoặc toàn bộ dấu hiệu kể trên, người lãnh đạo doanh nghiệp phải hết sức chú ý và có biện pháp giải quyết ngay, nếu để kéo dài sẽ rất nguy hiểm.

Người lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm vững những bước ngoặt chiến lược

Việc nhận biết dấu hiệu rủi ro không phải là dễ dàng vì khả; cảm nhận của mỗi người không giống nhau. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải nắm được những bước ngoặt chiến lược, nhưng việc nắm được những bước ngoặt đó cũng rất khó. Nguyên nhân là:

1. Việc dự báo rủi ro của doanh nghiệp là rất khó. Đối với những người lãnh đạo doanh nghiệp có uy quyền, những người khác không muốn nói với họ về rủi ro của doanh nghiệp. Do đó, việc phát hiện rủi ro chủ yếu là dựa vào người lãnh đạo.

2. Các nhà doanh nghiệp thường coi doanh nghiệp như con mình. Về tình cảm, họ không bao giờ muốn rời khỏi chúng. Họ chỉ muốn nghe những tin tức tốt lành về doanh nghiệp, không thích nghe những tin tức không tốt.

3. Những biến đổi dẫn đến rủi ro thường xuất phát từ ban lãnh đạo hoặc xung quanh doanh nghiệp. Nhưng tầng lớp lãnh đạo cao nhất lại là những người sau cùng biết được sự tồn tại của rủi ro.

4. Các tín hiệu liên quan đến rủi ro thường rất lộn xộn, phức tạp, trong đó có tín hiệu có thể dẫn đến sự ngộ nhận. Làm thế nào để đánh giá đúng các tín hiệu cũng là việc rất khó khăn.

5. Một số nhà doanh nghiệp khi thành công thường thiếu tỉnh táo, nhất là khi đã đạt được những thành công đầu tiên thường say sưa với thắng lợi, dễ hình thành một mô thức kinh doanh cố định.

Nhưng trên thực tế, thành công trong quá khứ không nhất thiết bảo đảm thành công trong tương lai.

6. Không ai có thể biết được một cách chính xác rằng mình sẽ thành công vào lúc nào và ở nơi nào. Điều đó chỉ hoàn toàn dựa vào cảm giác và phán đoán.

20220929145907966-quan-tri-rui-ro-doanh-nghiep-01-1694580134.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Phương pháp cảnh báo rủi ro

1. Thành lập một bộ phận chuyên môn theo dõi, phân tích tình hình doanh nghiệp để có thể kịp thời phát hiện những rủi ro khi nó xảy ra.

2. Toàn thể cán bộ quản lý, công nhân viên doanh nghiệp đều có ý thức đề phòng rủi ro, đề phòng đối thủ cạnh tranh.

3. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải đi sát cơ sở, tiếp cận khách hàng, lắng nghe ý kiến của cơ sở, của khách hàng.

4. Mời chuyên gia tư vấn, lắng nghe ý kiến của họ vì họ là người có thể nhìn thấy vấn đề, do đó mà doanh nghiệp có thể có được những thông tin mới.

Viện VIM

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nha-quan-ly-can-lam-gi-de-quan-ly-rui-ro-o-doanh-nghiep-a11203.html