Sáng 8/9, Giáo sư Samuel Vincent G. Yrastorza - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu ASEAN cũng là Chủ tịch Hội nghị FAUA 2023 đại diện Ban tổ chức thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023.
Đây là lần thứ 2 (lần đầu vào năm 2009) Việt Nam được Liên đoàn Tiết niệu của 10 nước Đông Nam Á trao trọng trách tổ chức Hội nghị khoa học FAUA năm 2023.
Giáo sư Samuel Vincent G.Yrastorza - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA) cho biết, kể từ năm 1993, khi FAUA được thành lập, đã tổ chức các hội nghị khoa học hàng năm để thắt chặt tình bạn, tình hữu nghị, thúc đẩy đào tạo, giáo dục và nghiên cứu cùng nhau.
Tại sự kiện, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ niềm vui mừng khi Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á đã trở lại Việt Nam sau 14 năm, với chủ đề “Kết nối - Đổi mới - Phát triển”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chia sẻ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới. Thư viện Y học quốc gia Mỹ thống kê khu vực Đông Nam Á bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ 5%-19,1%. Riêng Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Bên cạnh đó, ở nước ta, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13.
Người dân Việt Nam gia tăng các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động… Trong khi các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm giống nhau về chủng tộc, tình hình kinh tế, địa lý nên tương đồng cả về cơ cấu bệnh về tiết niệu.
Hội nghị FAUA 2023 là cơ hội quý giá để các chuyên gia, bác sĩ trong nước và khu vực, thế giới gặp gỡ để trao đổi, cập nhật những xu thế mới cũng như các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiết niệu cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, lãnh đạo của nhiều tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
Đại diện nước chủ nhà, PGS.TS Lê Đình Khánh - Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cho rằng, trong xu thế hội nhập chung của thế giới, Việt Nam cần hội nhập, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước. Những năm qua, lĩnh vực Tiết niệu Việt Nam có những tiến bộ rất lớn, đã phát triển rất tốt các kỹ thuật tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh, phục vụ cho bệnh nhân cần phấn đấu nhiều để đáp ứng được nhu cầu người dân, phải học các nước từ cách phục vụ, cách tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới…
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiêm Chủ tịch Danh dự Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, cho hay Việt Nam và các nước Đông Nam Á có nhiều điểm chung là tỷ lệ dân số mắc các bệnh về tiết niệu - thận - sỏi thuộc dạng cao của thế giới. Đó là lý do Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Đông Nam Á là chuyên ngành mạnh nhất trong các chuyên ngành về y khoa trong khu vực. Ngay cả thế giới, hàng năm đều có những hội nghị rất lớn về chuyên ngành này.
Hội nghị FAUA diễn ra trong 3 ngày liên tiếp (07 - 09/09/2023), mở rộng về quy mô, không chỉ có các chuyên gia đến từ Liên đoàn Tiết niệu Đông Nam Á, Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Hội Tiết niệu Thận học TP.HCM mà còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu, Hiệp hội Tiết niệu Australia và New Zealand, Trung tâm Y tế Asan Hàn Quốc, Nhóm Giảng dạy & Tập huấn phẫu thuật Tiết niệu châu Á… tham dự.
Tiểu My
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hoi-nghi-tiet-nieu-dong-nam-a-dien-ra-tai-vien-nghien-cuu-tam-anh-a11152.html