Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"

Ngày 7/9, tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú ví von rằng hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền" giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa.

daominhtu-1694093261.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trình bày báo cáo. Ảnh: VGP

Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tham dự cuộc họp có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các Phó Thống đốc; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan trung ương, ngân hàng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, cuộc họp hôm nay nhằm mục đích tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!

Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn dâng tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, các ý kiến rất trách nhiệm, sâu sắc, sát thực tế, phù hợp… để cùng tìm giải pháp xử lý công việc chung. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định pháp luật, không để chậm trễ, bị động, mất tính thời điểm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn nội tại của nền kinh tế đất nước bộc lộ ra. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm cơ hội trong khó khăn để vượt qua thách thức.

Điều đáng mừng là, trong bối cảnh khó khăn cả trong nội tại và quốc tế, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp,… chúng ta vẫn giữ được kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các chỉ tiêu kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương, dù chưa đạt như mong đợi,…

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.

Trung Kiên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/pho-thong-doc-dao-minh-tu-ngan-hang-dang-phai-chua-benh-thua-tien-a11151.html