Hậu quả kinh tế của dịch bệnh

Dịch cúm do virus Corona mới sẽ gây ra hai cú sốc về cung và cầu chi các nền kinh tế, Akira Kawamoto, Cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản bình luận.

Kể từ khi chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng Mười hai năm ngoái, số người bị lây nhiễm trên toàn thế giới hiện đã tăng vọt lên đến 73.333 người, và số người tử vong là 1.873 (Số liệu cập nhật ngày 18.2.2020). Virus này đã lây lan khắp các nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia – và cả những quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù đến nay chỉ mới có ba trường hợp tử vong được ghi nhận ở ngoài Trung Quốc là Nhật Bản, Philippines và Pháp.

Đến nay vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người của COVID-19. Tại thời điểm này, có vẻ như COVID-19 ít nguy hiểm hơn chủng virus Corona đã gây ra đợt dịch SARS 2002-2003 (hội chứng suy hô hấp cấp). Dù số lượng người tử vong trong đợt dịch này nhiều hơn, nhưng SARS có tỉ lệ tử vong cao hơn, 10% trong số 8.096 người nhiễm SARS tử vong trên toàn thế giới.

Dù vậy, vào ngày 23.1, Trung Quốc đã tuyên bố phong tỏa Vũ Hán, một thành phố có tới 11 triệu dân. Kể từ thời điểm đó, con số các thành phố Trung Quốc bị đặt dưới lệnh cách ly đã lên đến 16, và có thể sẽ còn tăng thêm.

Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vắng vẻ thời dịch bệnh (Ảnh: Bảo Zoãn)
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vắng vẻ thời dịch bệnh (Ảnh: Bảo Zoãn)

Việc cách ly và các biện pháp mang tính cưỡng chế khác nhằm mục đích ngăn chặn bệnh dịch đang làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc, với hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền lên những nước khác ở châu Á. Cụ thể, Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là một trong những trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Các xưởng sản xuất của những hãng xe hơi hàng đầu Nhật Bản như Honda và Nissan được đặt ở đây, giống như hoàn cảnh của một số công ty đối thủ châu Âu. Các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi, linh kiện điện tử và các thiết bị công nghiệp cũng có các cơ sở sản xuất quan trọng ở đây. Nhiều nhà máy trong số đó đã phải dừng hoạt động, vì công nhân không thể quay lại làm việc sau dịp Tết nguyên đán.

Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất gây ra cú sốc cung mạnh cho chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu trên khắp châu Á. Dựa vào tỉ lệ giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lục địa và Hồng Kông so với GDP, Đài Loan có thể là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất, tiếp theo là Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc. Các chủ lao động của khu vực này phải đối mặt với cú sốc cung khác vì nhiều người Trung Quốc đang làm việc ở Nhật Bản hoặc các quốc gia châu Á khác sẽ không hoặc không thể quay lại lại việc. Thêm nữa, việc bùng phát dịch virus Corona sẽ làm gián đoạn việc xuất khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc sang Nhật Bản, đặc biệt là thức ăn chế biến và quần áo. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra việc thiếu hụt nguồn cung và do đó, làm mai một sự tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại với Trung Quốc.

Quotes

Dịch virus Corona cũng còn gây ra một cú sốc cầu đáng kể, vì du khách Trung Quốc hiện đem lại doanh thu lớn cho ngành du lịch nhiều quốc gia. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đang giảm mạnh vì Trung Quốc cấm công dân của mình đi du lịch theo đoàn ra nước ngoài, và nhiều quốc gia cũng từ chối hoặc giới hạn khách Trung Quốc. Căn cứ vào tỉ lệ doanh thu từ nguồn du khách Trung Quốc trên GDP, các điểm đến yêu thích như Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. Nhật Bản thì đặc biệt quan tâm đến việc dịch bệnh kéo dài bao lâu, vì Thế vận hội Olympic Mùa hè được dự kiến bắt đầu ở Tokyo ngày 24.7.

Nhưng dù chưa biết ngày nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh điểm, Trung Quốc vẫn có thể làm giảm nhẹ cú sốc cầu bằng các biện pháp kích cầu như bơm 173 tỉ USD vào thị trường như thông báo ngày 2.2 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Các chính phủ và ngân hàng trung ương khác trong khu vực cũng có thể thực hiện các bước đi tương tự nếu cần. Các công ty có thể thay thế nguồn cung gián đoạn bằng các nguồn đầu vào khác, và việc tiêu thụ sản phẩm có thể chuyển sang kênh online. Một số biện pháp thay đổi này có thể sẽ mang tính lâu dài chứ không phải tạm thời.

Mặc dù không rõ khi nào mới có vaccine phòng chống hiệu quả virus Corona, giai đoạn khủng hoảng hiện tại phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Đầu tiên là liệu Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình hay không và mất bao nhiêu thời gian? Với số người tử vong tiếp tục tăng cao, khó có thể dự đoán câu trả lời, nhưng nếu chính phủ ngày càng cô lập nhiều thành phố hơn, thì mức độ suy giảm kinh tế sẽ càng sâu sắc.

Câu hỏi thứ hai là liệu các quốc gia khác có ngăn chặn được sự lây lan của virus này không?

Một số chuyên gia y tế Nhật Bản nói rằng tồn tại số lượng đáng kể người Nhật Bản đang mang trong mình mầm bệnh, vì đã tự do nhập cảnh Nhật Bản từ Trung Quốc một tháng trước khi xảy ra bùng phát dịch. Tuy nhiên, không giống như ở Trung Quốc, dịch bệnh đến giờ không gây ra nhiều tử vong ở Nhật, khiến người ta đặt câu hỏi về bản chất của dịch bệnh và phương cách tốt nhất để phòng trị bệnh. Để quyết định phương pháp ứng phó y tế cộng đồng tốt nhất, nhanh nhất có thể, Trung Quốc và các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nên ngay lập tức chia sẻ kinh nghiệm cập nhật nhất của mình.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế khuyến nghị nên chuyển các nguồn lực phòng tránh dịch bệnh từ các quốc gia lân cận đến vùng bị cách ly, bằng cách để người dân dễ dàng tiếp cận với các bộ tự xét nghiệm. Những người bị nhiễm bệnh sau đó nên được yêu cầu ở trong nhà và tránh tiếp xúc với người khác.

Tương tự như trong trường hợp nhiễm cúm, việc chia sẻ thông tin với cộng đồng có thể hiệu quả hơn nhiều trong việc hạn chế tối đa sự lây lan của virus, so với lệnh cấm đi lại hà khắc, điều vô cùng tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm lý của người nhiễm bệnh, cũng như cho nền kinh tế. Chính phủ các nước bên ngoài Trung Quốc đang phải cân nhắc biện pháp quốc gia để đối phó dịch cũng nên ghi nhớ điều này. Và các nhà chức trách Trung Quốc cũng nên cân nhắc lại cách thức đối phó trong trường hợp dịch bệnh tương lai.

Akira Kawamoto, Cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Giáo sư trường đại học Keio

Theo Project Syndicate

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hau-qua-kinh-te-cua-dich-benh-a1106.html