Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) thuộc thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Theo ACV, sau khi xem xét và mở hồ sơ chấm năng lực tài chính, Tổ chấm thầu đã lựa chọn được nhà thầu cho gói thầu 5.10 là liên danh nhà thầu Vietur.
Liên danh nhà thầu Vietur bao gồm: Tập đoàn công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nhà thầu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.
Đi cùng là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp, SOL E&C. Trong đó, Ricons, Newtecons, SOL E&C là những doanh nghiệp liên quan tới ông Nguyễn Bá Dương.
Theo ACV công bố, liên danh nhà thầu Vietur trúng gói thầu 5.10 với giá trúng thầu gần 28.000 tỷ đồng và 338.849.804 USD. Đây là loạt hợp đồng theo giá kết hợp.
Thời gian thực hiện là 39 tháng bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời gian diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự kiến trước ngày 30/8.
Theo đánh giá, gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" dự án thành phần 3 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, được đánh giá phức tạp và có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành. Công trình nhà ga hành khách này lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.
Công trình này được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Các loại vật liệu bao che được sử dụng đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, việc lựa chọn đơn vị thi công có năng lực kinh nghiệm đã từng thi công các công trình sân bay lớn trên thế giới là vô cùng quan trọng, được ACV đặt lên hàng đầu.
Theo thiết kế, nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng với 2 luồng đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay.
Với các hạng mục sân đường khu bay như: đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, 4 sân đỗ tàu bay bay
và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha. Đây thuộc gói thầu số 4.6 với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 23 tháng.
Theo đánh giá của ACV, Cảng HKQT Long Thành dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2026 với công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa. Hiện công tác thi công, san nền mặt bằng sân bay Long Thành đạt 91%. Các vị trí xây dựng nhà ga, sân đỗ, đường băng cất - hạ cánh cơ bản hoàn thiện.
Thuỳ Linh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lien-danh-vietur-trung-goi-thau-35000-ty-dong-cua-nha-ga-hanh-khach-san-bay-long-thanh-a10997.html