TGĐ Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: “Xây dựng Petrovietnam thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia”

“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của Petrovietnam”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị Cán bộ quản lý và Người đại diện năm 2023 do đơn vị tổ chức mới đây.

Vượt qua khó khăn để phát triển

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị Cán bộ quản lý và Người đại diện năm 2023. Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Petrovietnam đã thông tin về cơ sở xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đó là dựa trên các Nghị quyết lớn của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 55, Nghị quyết 36 và đặc biệt là Nghị quyết số 41.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển của Petrovietnam đã giải quyết một số nhóm vấn đề gồm giải quyết được những thách thức, các khó khăn và tận dụng các cơ hội thông qua việc tập trung nguồn lực một cách có trọng tâm; xác định, định vị được vấn đề cốt lõi.

Ngoài ra, Petrovietnam đã tích cực đổi mới mô hình kinh doanh, xác định các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực của tập đoàn; tập trung cải tiến hoạt động và tạo mức cạnh tranh trong những năm tiếp theo; tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước; tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia.

anh-chup-man-hinh-2023-08-21-luc-102515-sa-1692588332.png
Theo ông Lê Mạnh Hùng, thời gian tới Petrovietnam sẽ phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.

Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết thêm, trong khoảng thời gian đó, Tập đoàn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 41, đó là việc phải ứng phó với 2 kỳ giá dầu suy giảm; tình hình Biển Đông nhiều biến động phức tạp; cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Dầu khí còn nhiều bất cập; trữ lượng, tiềm năng dầu khí không như mong đợi; việc nhận bàn giao một số dự án yếu kém từ các đơn vị khác gây khó khăn cho Petrovietnam trong công tác quản lý, phân bổ nguồn lực…

Để vượt qua những khó khăn này, PetroVietnam thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai. “Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của PetroVietnam,” Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để toàn Tập đoàn thực hiện. Một là, quản trị tốt nguồn nhân lực. Hai là, tập trung thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ các thể chế và cơ chế. Ba là, phát triển công tác quản trị doanh nghiệp. Bốn là, tích cực chuyển đổi số. Năm là, đẩy mạnh khoa học công nghệ. Sáu là, tập trung mở rộng và tích hợp trong công tác mở rộng thị trường và nâng cao thị phần cho các sản phẩm chủ lực. Bảy là, tập trung tối ưu công tác đầu tư và tài chính. Tám là, đẩy mạnh xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

images1865216-anh-3-1692588511.jpeg
Người lao động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang trong giờ làm việc. (Ảnh: Petrovietnam)

Định hướng phát triển bền vững

Là một tập đoàn quốc gia, có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một trong những trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Petrovietnam có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam đã thông tin chuyên đề về các điểm mới của Luật Dầu khí 2022, Nghị định số 45/2023/NĐ-CP; đánh giá tác động của những sự thay đổi này đối với hoạt động của Tập đoàn. Đồng thời, định hướng sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm nội bộ của Tập đoàn. Việc ban hành Luật Dầu khí 2022 và Nghị định 45 đã hình thành khung pháp lý hoàn toàn mới cho hoạt động Dầu khí ở lĩnh vực thượng nguồn sau 30 năm triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí ban hành lần đầu tiên năm 1993.

14-1692588599.jpeg
Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Petrovietnam)

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cũng đã trình bày về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian qua. Cụ thể, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước, nhưng nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, Petrovietnam đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tại hội nghị, các lãnh đạo HĐTV Petrovietnam đã phổ biến, quán triệt việc thực hiện các quy định mới của Đảng, pháp luật Nhà nước và Petrovietnam về công tác cán bộ và quản lý người đại diện. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thành viên trong thời gian tới cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý và người đại diện tập đoàn tại các đơn vị, đồng hành với đội ngũ Người đại diện nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho đơn vị và Nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả ngày một tốt hơn, bền vững hơn, đưa đơn vị thành công hơn nữa trong những chặng đường phía trước.

Được biết, năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2023, tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 78,31 ngàn tỷ đồng. Với con số này, Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2023.

Văn Đức

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tgd-petrovietnam-le-manh-hung-xay-dung-petrovietnam-thanh-tap-doan-cong-nghiep-nang-luong-quoc-gia-a10967.html