Liên doanh Vietur, nơi có hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương tham gia đã trúng gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10.

Theo đó, gói thầu này sẽ thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu có trị giá hơn 35.000 tỷ đồng và thời gian thi công 39 tháng. Kết quả, Liên danh Vietur là đơn vị trúng gói thầu 5.10.

Được biết, Liên danh Vietur là liên danh do một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu cùng 9 doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong đó có 10 thành viên bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (Mã: CC1), Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu  và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội. 

Đơn vị đứng đầu liên danh của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga,... Đáng chú ý, công ty này từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari,...

Trong liên danh này có sự xuất hiện của ba doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons gồm: Newtecons, Ricons và SOL E&C.

359474562-1448728772580349-3506610495125324944-n-1690883720.jpeg
Liên doanh Vietur đã trúng gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thànhh.

Sau khi rời Coteccons vào năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương đã thành lập một hệ sinh thái mới. Thậm chí nhiều dự án bất động sản lớn do Coteccons làm nhà thầu đã bị Newtecons hay Ricons thế chân.

Trước đó, ngày 15/6, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho hay 3 nhóm nhà thầu tham dự gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước.

Qua tìm hiểu, 3 nhóm này gồm có: Liên danh Hoa Lư; Liên danh Vietur; Liên danh HEC-BCGE-Vietnam Contractors.

Trong đó, Liên danh Hoa Lư này bao gồm 8 doanh nghiệp là: Coteccons, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Tổng Công ty Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Central, An Phong, Xây dựng Hoà Bình và Powerline Engineering Public Company Limited. Trong đó, Coteccons là thành viên đứng đầu liên danh và Liên danh Hoa Lư cũng là liên danh duy nhất trong nước dự thầu.

Liên danh CHEC-BCGE-Vietnam Contractors do China Harbour Engineering Company Limited của Trung Quốc đứng đầu và 8 thành viên còn lại gồm: Beijing Construction Engineering Group, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, Công ty CP Xây dựng CDC, Tổng Công ty 789, Công ty TNHH Nhà thép PEB, CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam.

Liên quan đến gói thầu 5.10, vừa qua, Ricons (nằm trong Liên danh Vietur) đã yêu cầu TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với Coteccons (mã: CTD) đúng thời điểm chấm thầu “căng thẳng” đối với gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành. Phía Ricons cho rằng, việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.

“Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi Tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons”, phía Ricons cho hay.

Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 4/7/2023, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons.

Cũng theo Ricons, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác nhà thầu phụ/nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại.

Hồng Vũ

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lien-doanh-vietur-noi-co-he-sinh-thai-cua-ong-nguyen-ba-duong-tham-gia-da-trung-goi-thau-hon-35000-ty-dong-o-san-bay-long-thanh-a10811.html