Cây ngô là cây trồng đóng vai trò quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn cầu với sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm, trong đó 70% được sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; rất ưu việt vì giá trị dinh dưỡng, năng suất, chất xanh và dễ tiêu hóa.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT (2020) tổng nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc của nước ta là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp đựơc khoảng 70%, còn lại mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn). Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục trồng ngô sinh khối, tập trung chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp để chuyển làm thức ăn cho gia súc, từ đó tiết kiệm được nguồn ngoại tệ nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi, ước tính hàng tỷ USD mỗi năm”.
Qua đó cho thấy để bảo đảm tăng trưởng của ngành chăn nuôi cần tiếp tục phát triển và mở rộng các vùng nguyên liệu làm thức ăn xanh, trong đó ngô sinh khối được xác định là cây trồng quan trọng. Và việc xây dựng quy trình canh tác ngô sinh khối ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, với mục tiêu giảm lượng bón, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất cây ngô, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và đặc biệt đó là tăng lợi nhuận cho nông dân trồng ngô hiện nay là rất cần thiết.
Thực hiện thỏa thuận đã ký kết về “Xây dựng và hoàn thiện Quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và Viện Nghiên cứu Ngô đã bắt tay triển khai làm mô hình điểm từ vụ Hè Thu và vụ Thu Đông năm 2023. Hai mô hình sản xuất ngô sinh khối cho 2 vụ liên tiếp được chọn, tổng cộng 8ha tại 2 vùng sinh thái là Sơn La (Tây Bắc) và Đắk Lắk (Tây Nguyên). Giống ngô được sử dụng là giống ngô phổ biến và ưu việt nhất hiện nay của Viện Nghiên cứu Ngô, đó là Ngô lai LVN66. Phân bón được sử dụng 100% của Công ty CP Phân bón Bình Điền, cụ thể là: Đầu Trâu Tăng trưởng (NPK 19-12-6); Đầu Trâu Chắc hạt (16-6-19); NPK Đầu Trâu 16-8-8+TE; Đầu Trâu Cân bằng đất và Đầu Trâu Organic đa dụng. Dự kiến đơn vị thu mua sản phẩm là: TH True Milk, Dalat Milk và Công ty Bò sữa Mộc Châu.
Tại Đắk Lắk mô hình vụ ngô Hè Thu được làm tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, diện tích trồng 2ha, do hộ nông dân Châu Văn Khôi đảm nhận. Ông Khôi triển khai mô hình với 3 công thức bón phân: 1 là bón phân theo tập quán truyền thống của nông dân để làm đối chứng với 2 công thức phân bón Đầu Trâu của Công ty CP Phân bón Bình Điền. Mỗi ô bón phân theo 1 công thức có diện tích 700m2, sắp xếp theo kiểu tuần tự.
Trước khi triển khai chương trình, Công ty Bình Điền và Viện Ngô đã tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật về xử lý đất trồng, giống ngô, thời vụ, mật độ cây trồng, tưới tiêu, phòng trừ cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật bón phân, xử lý thu hoạch và sau thu hoạch cho các gia đình tham gia mô hình. Ban điều hành theo dõi chặt chẽ tất cả các khâu, từ khi xuống giống đến thu hoạch, báo cáo tổng quan về hiện trạng kỹ thuật canh tác làm cơ sở xây dựng Quy trình Canh tác Ngô sinh khối tại Tây Nguyên.
Ông Châu Văn Khôi rất phấn khởi được chọn làm mô hình. Theo ông, qua 2 tháng từ khi xuống giống, cây ngô trong mô hình sinh trưởng vượt trội so với đối chứng. Cây to, khỏe, nhất là rất xanh, sẽ được thu hoạch sau 80 ngày tuổi, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn nhiều so với đối chứng.
Tại Sơn La, Chương trình được triển khai ở huyện Mộc Châu, dự kiến đầu tháng 8 thu hoạch. Theo đánh giá của nông dân và cán bộ khuyến nông huyện, cây ngô sinh khối của chương trình phát triển tốt hơn gấp rưỡi so với đối chứng. Nông dân địa phương rất hào hứng muốn được tham gia chương trình trong những vụ tới.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói: “Viện Ngô là viện nghiên cứu sâu về cây ngô, lại có cả bộ môn thức ăn chăn nuôi, trong khi theo đuổi hướng sản xuất phân bón chuyên dùng nên Bình Điền mong muốn tận dụng thế mạnh của viện chuyên ngành để phát triển, hoàn thiện bộ sản phẩm phân bón cho cây ngô nói chung, cây ngô sinh khối nói riêng; góp phần gia tăng khối lượng và chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm gánh nặng nhập khẩu cho nước nhà.”
Trần Đình Thế