Trong những ngày qua, tại TAND Thành phố Hà Nội đang diễn ra phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án về những “Chuyến bay giải cứu”, liên quan nhóm tội danh “Hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ”, được đông đảo công chúng và truyền thông theo dõi sát sao. Trong đó, nội dung thu hút sự quan tâm cao và gây tranh cãi nhiều trong phần tranh luận là quan hệ: giữa một bên là cơ quan buộc tội, người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ và một bên là người nhận - lẽ ra bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, nhưng do người nhận lợi ích vật chất không phải là người có thẩm quyền giải quyết và cũng không hề thực hiện việc đã hứa hẹn, làm cho người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ lầm tưởng người này đang giúp họ, nên đã nhờ vả kèm theo lợi ích vật chất (tiền) và bị chiếm đoạt. Vì vậy, theo công thức cấu thành tội danh của Bộ luật Hình sự Việt Nam, người nhận hối lộ được chuyển sang tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, vấn đề tranh luận sôi nổi giữa các bên lại xoay quanh vật chứng – là chiếc vali samsonite khoá số, có chứa đựng 450.000 USD như lời khai của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ và kết luận của cơ quan buộc tội hay chiếc vali chỉ có 4 chai rượu vang như lời khai nại của người nhận vali.
Đây là tình tiết tranh luận chưa có tiền lệ trong một vụ án về chiếm đoạt tài sản. Để rộng đường dư luận và không nhằm xúc phạm ai, người viết xin được “lạm bàn” đôi điều về chứng cứ dựa trên quan điểm nhận thức luật hiện hành, như sau:
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS), nêu: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” (Điều 86). Điều luật thể hiện chứng cứ có ba thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Nếu thiếu một trong ba thuộc tính này thì không được coi là chứng cứ; chúng có mối liên hệ khăng khít, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố chứng cứ. Một số tình tiết, chứng cứ thu hút tranh luận, cụ thể:
1. Chiếc vali samsonite khoá số: là vật chứng đã giao nhận và đều được thừa nhận ở cả hai bên giao, nhận qua lời khai của người sắp xếp vật chứa đựng trong vali, người môi giới chuyển giao, người nhận và hình ảnh thu được từ camera an ninh. Đây là chứng cứ bao hàm cả ba định dạng: vừa là chứng cứ trực tiếp, vừa là chứng cứ gốc và vừa là chứng cứ buộc tội.
2. Những vấn đề còn gây tranh cãi giữa bên giao và bên nhận vali:
- Bên nhận: trong vali chỉ có 4 chai rượu vang.
- Bên giao: trong vali chứa 450.000 USD theo yêu cầu của người nhận, mã khoá số giao hẹn là số “104”. Lời khai được xác lập từ hai người: người đưa, sắp xếp tiền vào vali và người giao vali. Đồng thời, hình ảnh camera an ninh ghi nhận toàn cảnh trước, trong và sau khi giao nhận vali.
Những tình tiết bất hợp lý phù hợp với các lời khai của bên giao vali: Có chuỗi thời gian, sự kiện gặp gỡ, nhờ vả “chạy án”, đưa hối lộ và trao đổi, hướng dẫn động tác chạy án nhiều lần tại nhà nhân chứng, cũng là bên giao vali chứa ngoại tệ; Không ai biếu rượu vang kiểu 4 chai, bỏ hộp, mua vali samsonite đắt tiền để chứa 4 chai vang (thường người biếu hộp gỗ 2 chai, hoặc thùng giấy 6 chai của nhà cung cấp). Một trưởng phòng nghiệp vụ, điều tra viên cao cấp không “từ thiện”, nhân ái đến mức phải nhiều lần gặp gỡ trao đổi, hướng dẫn cho bị cáo mà chính mình đang phụ trách điều tra và… chỉ để nhận 4 chai vang; và, khi nhận thì đâu cần phải sĩ quan cấp cao ấy ra đường đứng đợi nôn nóng, dàn cảnh xe giao, xe nhận rất “nghiệp vụ” bài bản như vậy…; Tình tiết nhận “vali 4 chai vang” cũng hoàn toàn không xuất hiện trong cái “combo” khăng khăng từ đầu đến cuối theo kiểu “không hề nhận một lợi ích vật chất gì” - cho đến khi hình ảnh giao nhận chiếc vali xuất hiện.
- Rõ ràng lời trình bày “chiếc vali chỉ có 4 chai vang” là rất xa lạ và hoàn hoàn không khớp với bất kỳ tình tiết, chứng cứ nào trong vụ án. Thật đáng tiếc!
Pháp luật hình sự xác định rằng chứng cứ là phương tiện duy nhất chứng minh tội phạm, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho mục đích không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; đồng thời cũng xác lập về nguồn chứng cứ (Điều 87 BLTTHS), bao gồm 7 nhận dạng: Vật chứng; Lời khai/lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định/định giá tài sản; Biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp và hợp tác quốc tế; Các tài liệu, đồ vật khác.
Như nêu trên, trong quá trình giải quyết một vụ án cụ thể, người ta còn phải phân loại các chứng cứ dựa trên giá trị chứng minh của chúng, bao gồm: Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp; Chứng cứ gốc và chứng cứ sao lại; Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Trong đó, chứng cứ trực tiếp thường đóng vai trò cơ bản. Đặc điểm của chứng cứ này là cho thấy ngay đối tượng chứng minh như: Sự việc xảy ra có phải là sự việc phạm tội hay không; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; Có lỗi hay không có lỗi;… Mặt khác, nó cũng là căn cứ cho biết những nguồn tin quan trọng và cơ bản nhất của hành vi phạm tội. Chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh rất cao và mang tính độc lập; thường được tìm thấy trong các trường hợp phạm tội quả tang, lời khai của người làm chứng, người bị hại.
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không trực tiếp xác định các vấn đề của đối tượng chứng minh, nhưng khi kết hợp với các tình tiết, sự kiện khác sẽ xác định vấn đề của đối tượng chứng minh. Đặc điểm: phải được đặt trong hệ thống các chứng cứ và tập hợp nhiều chứng cứ gián tiếp mới có thể đưa ra kết luận về đối tượng chứng minh. Khi tách riêng các chứng cứ gián tiếp thì không thể kết luận được.
Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp có thể mang tính “kép” của chứng cứ gốc và chứng cứ sao lại; hoặc, của chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Ví dụ: Biên lai nhận tiền (bản chính) trong vụ án lừa đảo có thể vừa là chứng cứ trực tiếp, vừa là chứng cứ gốc, lại vừa là chứng cứ buộc tội. Hoặc, như lời khai của bên giao vali và hình ảnh camera trong vụ án (nêu trên).
- Cũng nên nêu thêm đối với “người nhận vali” trong vụ án: Ở giai đoạn người có chức vụ, quyền hạn giải quyết mà nhận lợi ích vật chất để hứa hẹn làm một việc trái luật thuộc trách nhiệm của mình thì hành vi cấu thành “Tội nhận hối lộ”. Sau đó, khi không còn trách nhiệm giải quyết và cũng không có động thái giúp đỡ gì, nhưng vẫn làm cho người nhờ vả tin lầm, giao tiền và bị chiếm đoạt thì hành vi sẽ cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc chỉ truy cứu trách nhiệm một hành vi lừa đảo đối với “người nhận vali” – có thể là lọt tội phạm!
Trong vụ án này, các tình tiết bất hợp lý được suy từ lý lẽ đời thường đều là những tình tiết chứng cứ gián tiếp nhưng khi chúng được “ghép” với chứng cứ trực tiếp (lời khai của người sắp xếp vali, người giao vali, hình ảnh giao nhận vali) và cáo buộc đối với người nhận vali chứa đựng 450.000 USD là hoàn toàn khớp với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh. Suy cho cùng, hoạt động điều tra, truy tố và xét xử tội phạm là hoạt động hệ thống tái hiện quá khứ, liên kết các mảnh ghép của chuỗi thời gian, sự kiện sao cho phù hợp, logic với nhau và có tính thuyết phục cao. Và, trong quá trình “hệ thống hoá” nếu còn có “khoảng tối” nào đó, thì sẽ phải được “thắp sáng” bằng chính niềm tin nội tâm của người thực hiện việc hệ thống thời gian, sự kiện - Luật cho phép điều đó!
Nói theo ngôn ngữ pháp luật (Điều 108 BLTTHS), thì: Đánh giá chứng cứ là hoạt động phân tích của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đối với những vấn đề cần giải quyết trong vụ án hình sự. Mọi chứng cứ đều phải được đánh giá khi dùng làm căn cứ chứng minh tội phạm, cụ thể như: xem xét giá trị chứng minh của từng chứng cứ và mối liên hệ giữa các chứng cứ trong thể thống nhất; phải dựa vào các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm và hình phạt, các dấu hiệu cấu thành tội phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tóm lại, dựa vào ý thức pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đánh giá chứng cứ và cần phải có niềm tin nội tâm được hình thành trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Tuy rằng luật pháp dành quyền cho các bị cáo tự bào chữa, thuê, nhờ người bào chữa thậm chí là không cấm sự phủ nhận mọi cáo buộc từ bị cáo. Song, bên cạnh đó, luật pháp cũng dành cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và sau cùng là Hội đồng xét xử quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận những tình tiết, chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên toà.,.
Tiến sĩ Hoàng Minh Khôi (phân viện Hành chính Quốc gia Tp.HCM)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lam-ban-ve-chiec-vali-bi-an-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-a10753.html