Soi tạm một gói thầu phát hiện chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng so với giá thị trường
Luật Đấu thầu 2013 (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều quy định mới nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong đấu thầu.
Đáng chú ý, trong công tác đấu thầu, ngoài việc lựa chọn được nhà thầu chất lượng thì chủ đầu tư cũng cần có trách nhiệm tiết giảm cho ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc ngân sách của cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Quá trình nghiên cứu Luật Đấu thầu sửa đổi cũng như việc thực hiện pháp luật về đấu thầu ở nhiều đơn vị sở, ngành, phóng viên nhận thấy một số gói thầu có dấu hiệu “loạn giá, thổi giá, đội giá, tiết kiệm thấp” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp 2, gấp 3 lần giá đơn vị khác chào bán trên thị trường. Điều này có nghĩa là sau quá trình đấu thầu, số tiền tiết kiệm được rất ít khiến trách nhiệm tiết giảm ngân sách của các chủ đầu tư khó bảo đảm.
Có thể lấy dẫn chứng trường hợp cụ thể tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An (sau đây gọi tắt là Sở GD&ĐT tỉnh Long An) cho thực trạng này, khi phóng viên nghiên cứu một gói thầu cụ thể trị giá hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể tại Quyết định số 435/QĐ-SGDĐT ngày 22/6/2021 do ông Nguyễn Thanh Tiệp - Giám đốc Sở GD&ĐT (nay đã chuyển công tác) ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường phổ thông trong tỉnh Long An năm 2021.
Giá dự toán 61.940.911.000 đồng, giá trúng thầu 59.583.535.400 đồng, tiết kiệm sau đấu thầu 2.357.375.600 đồng, tỷ lệ tiết kiệm 3,8%.
Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương Mại và Kỹ thuật Viễn Đông (Công ty Viễn Đông, có trụ sở tại số 100-102 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
Tuy nhiên qua tìm hiểu, đối chiếu giá sản phẩm, thông số kỹ thuật, mã ký hiệu các sản phẩm Công ty Viễn Đông cung cấp cho Sở GD&ĐT Long An tại gói thầu này, chúng tôi nhận thấy có một số sản phẩm cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Đơn cử, hệ thống kiểm tra, đánh giá dạy và học tương tác dành cho bộ thiết bị tương tác dạy học ngoại ngữ tiểu học, mã ký hiệu Sunvote EA1000, xuất xứ Trung Quốc, Công ty Viễn Đông bán cho Sở GD&ĐT Long An 47 bộ với giá 11.660.000 đồng/bộ. Cùng sản phẩm này tại một gói thầu năm 2020, công ty này cung cấp với giá 5.390.000 đồng.
Màn hình ti vi tương tác thông minh dành cho bộ thiết bị tương tác dạy học ngoại ngữ tiểu học, có xuất xứ Trung Quốc, mã ký hiệu Naicoboard NC-86TS; Sở GD&ĐT Long An mua của Công ty Viễn Đông với giá 154.770.000 đồng, số lượng 47 bộ. Song song đó, cùng một sản phẩm này, cùng mã ký hiệu, cùng thời điểm năm 2021, Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng mua của chính công ty này với giá 146.800.000 đồng.
Máy vi tính dạy học dành cho phòng máy cấp tiểu học (FPT Elead Ed5400is) có đơn giá tại gói thầu là 11.880.000 đồng/bộ. Cùng mã sản phẩm này, năm 2021, tổ mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung tỉnh Trà Vinh mua sắm bộ FPT Elead Ed5400is với mức giá 8.998.000 đồng/bộ, chênh lệch gần 2.882.000 đồng/bộ. Tổng số tiền chênh lệch của 1.610 bộ máy tính khoảng 4.640.020.000 đồng.
Tại hạng mục nội thất, ghế học sinh tiểu học có giá tại gói thầu là 385.000 đồng/cái. Theo khảo sát, trên thị trường sản phẩm này đang được bán với giá 285.000 đồng. Với số lượng 6.040 cái, tổng tiền chênh lệch lên đến hơn 604.000.000 đồng.
Bàn học sinh trung học phổ thông 2 chỗ ngồi có giá tại gói thầu là 1.969.000 đồng/cái, nhưng thị trường đang bán sản phẩm này với giá 1.250.000 đồng/cái. Tổng chênh lệch của 500 cái là hơn 359.500.000 đồng.
Bàn vi tính dành cho phòng máy cấp tiểu học có đơn giá tại gói thầu là 1.782.000 đồng/cái, nhưng theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường sản phẩm được bán với giá 1.250.000 đồng. Tổng số tiền chênh lệch của 782 cái là hơn 416.024.000 đồng.
Tủ đựng thiết bị có giá tại gói thầu là 6.468.000 đồng/cái. Tuy nhiên, thị trường đang bán sản phẩm này với giá khoảng 2.250.000 đồng. Tổng chênh lệch của 117 tủ là hơn 493.506.000 đồng.
Cân đĩa môn toán (thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2) có giá tại gói thầu là 2.620.000 đồng/bộ, phóng viên khảo sát thị trường thì nhận được mức giá cho sản phẩm này khoảng 1.960.000 đồng/bộ. Với số lượng 917 bộ, tổng số tiền chênh lệch là hơn 605.220.000 đồng.
Tất cả những đơn giá phóng viên đã thu thập dùng làm cơ sở so sánh đều hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu nêu trong chương V của E-HSMT, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định về thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức giá trên đã được cộng thêm các khoản thuế VAT, chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành sản phẩm.
Đó là chúng tôi mới chỉ điểm qua một vài thiết bị, sản phẩm ngẫu nhiên trong gói thầu trị giá hơn 59,5 tỷ đồng nhưng có sự chênh lệch giá lên đến hơn 8 tỷ đồng giữa giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Long An so với sản phẩm cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được rao bán trên thị trường; cùng các gói thầu tương tự có sản phẩm trúng thầu cùng loại.
Đôi điều suy nghĩ về một "nghịch lý"...
Mục đích của việc đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm ra nhà thầu có đủ trình độ, năng lực cung cấp hàng hóa, xây lắp, mua sắm… phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện đấu thầu, đồng thời quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm...
Thế nhưng, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự.
Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý.
Về nguyên tắc, khi đấu thầu mua sắm cần có những nghiên cứu về giá để chủ đầu tư quyết định mức giá gần với giá thị trường, tiết kiệm tối đa ngân sách. Còn ở gói thầu này, giá sản phẩm chênh lệch cao như thế thì phải đặt câu hỏi có sự móc nối thông đồng để làm giá, để giá cao lên hay không.
Theo Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch hàng trăm triệu đồng thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá.
Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu… thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được.
Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác chống tham nhũng. Để các dự án được triển khai đúng quy định, tiền ngân sách nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả và minh bạch, các cơ quan chức năng tỉnh Long An cần vào cuộc thanh kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu bất thường đối với gói thầu mà chúng tôi vừa phân tích ở trên, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm (nếu có).
Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
“1.Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Nhóm PV