Lợi nhuận kinh doanh đi xuống, CEO và là nhà sáng lập Tiki xin từ chức

Theo đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO đồng thời là nhà sáng lập Tiki đã có đơn xin từ chức gửi lên HĐQT của doanh nghiệp này. Thông tin ông Sơn từ chức gây nhiều bất ngờ trong giới kinh doanh.

Ông Thái Sơn (SN 1981), từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành thương mại điện tử tại Đại học New South Wales, Úc năm 2007. Sau đó, ông đã có một thời gian làm thiết kế Web cho Impaq Interactive tại Thái Lan. Về Việt Nam, ông đã làm ở các vị trí như Giám đốc Marketing cho Vinabook và Quản lý điều hành ở Vega (Clip.vn).

Năm 2010, ông Sơn thành lập nên Tiki và hoạt động chủ yếu trong việc bán sách tiếng Anh online. Tiki là viết tắt của 2 từ tìm kiếm và tiết kiệm. Cái tên Tiki thể hiện tầm nhìn của ông Sơn về việc mang đến cho người tiêu dùng địa phương trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá thành phải chăng hơn.

Thời điểm đó, sau khi lập gia đình, số tiền ông Sơn có vào khoảng 5.000 USD. Ông Sơn đem tất cả đi mua sách với hy vọng có thể bán được và quay vòng vốn. Ban đầu Tiki chỉ có khoảng 100 đầu sách. Khi có đơn hàng, ông Sơn tự đóng gói, bỏ lên xe rồi đi giao cho khách.

Sau đó, Tiki đã vươn ra ngoài phạm vi là một nền tảng bán sách trực tuyến. Tính đến năm 2018, Tiki có 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé. Năm 2012, ông Sơn gọi vốn lần đầu từ quỹ CyberAgent Ventures.

Bên cạnh đó, vào năm 2018, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng là một trong hai cái tên duy nhất của Việt Nam được góp mặt trong danh sách 30 nhà sáng lập hàng đầu Đông Nam Á do Tech in Asia bình chọn.

anh-chup-man-hinh-2023-07-13-luc-114911-1689223825.png
Ông Trần Ngọc Thái Sơn.

Tiki nhanh chóng trở thành công ty thương mại điện tử duy nhất nhận vốn của tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản. Đặc biệt, Tiki gây ấn tượng khi nhận khoản đầu tư lớn nhất từ VNG năm 2015 và tập đoàn lớn JD.com, Trung Quốc năm 2017.

Dưới sự dẫn dắt của ông Sơn, Tiki từng có thời điểm được định giá ở mức 832 triệu USD vào năm 2021, tiệm cận trạng thái "kỳ lân" (các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Chia sẻ về việc thành lập Tiki, ông Sơn cho biết có 3 lý do chính. Thứ nhất là ông Sơn rất thích đọc sách, đặc biệt là sách tiếng Anh nhưng thời điểm đó để mua những cuốn sách bằng tiếng Anh mà anh yêu thích tại Việt Nam rất khó. Lý do thứ hai là đánh giá thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Lý do thứ ba là nhận thấy thị trường thương mại điện tử trong nước còn nhiều hạn chế như hàng không nhiều, việc giao hàng thường diễn ra chậm trễ, hàng hóa kém chất lượng.

Trải qua hơn 1 thập kỷ phát triển, Tiki có lúc trở thành đối thủ lớn nhất của hai gã khổng lồ thương mại điện tử trong khu vực là Shopee và Lazada. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp thương mại điện tử này đang gặp nhiều khó khăn.

Tiki đã báo cáo doanh thu hàng năm giảm trong năm tài chính gần đây nhất (kết thúc vào tháng 3/2022). Điều đáng nói là mặc dù các số liệu của năm tài chính 2022 đã được kiểm toán, nhưng các số liệu của năm tài chính 2021 thì không và thông tin chỉ dựa trên hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd. trụ sở Singapore, đơn vị thành lập vào tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% cổ phần của công ty tại Việt Nam.

Theo đó, Tiki ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 giảm 7% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, khoản lỗ hoạt động của công ty đã tăng thêm 39% trong năm tài chính 2022.

Tiki sử dụng mô hình B2C và C2C, chia tổng doanh thu thành hai phần: Bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Mảng bán hàng hóa chiếm phần lớn doanh thu (88%) trong năm tài chính 2022.

Đối với mảng dịch vụ, hậu cần là phân khúc lớn nhất và vượt trội so với chỉ số doanh thu chung khi tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì công ty đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh ngay từ đầu. Tiki cũng đã và đang tích cực đầu tư vào các cơ sở hậu cần nội bộ của mình. Ngược lại, tiền hoa hồng từ nền tảng lại giảm 37%.

Điều đáng chú ý là trong mảng dịch vụ, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là quảng cáo, tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty.

Trong khi tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm tài chính 2022, chi phí bán hàng chỉ giảm 1%, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ -9% xuống -16%.

Tính đến tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương trên bảng cân đối kế toán. Con số này bao gồm số tiền thu được từ đợt gây quỹ khổng lồ trị giá 258 triệu USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, số tiền này chưa phản ánh khoản đầu tư 90 triệu USD của Tập đoàn tài chính Shinhan có trụ sở tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022.

Nếu tính thêm cả 90 triệu USD đó vào bảng cân đối kế toán và giả định rằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki là 100 triệu USD, công ty có thể hoạt động trong 3 năm nữa trước khi cần thêm vốn. Điều này cũng cho thấy rằng việc IPO có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Ngoài vấn đề về tài chính, với việc CEO và là nhà sáng lập sắp từ nhiệm đang cho thấy con đường phía trước của Tiki trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, gian nan.

Gia Bảo

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/loi-nhuan-kinh-doanh-di-xuong-ceo-va-la-nha-sang-lap-tiki-xin-tu-chuc-a10690.html