Sống lại “thời hoàng kim”
Có lẽ lâu lắm rồi Đà Nẵng mới có những ngày sôi động, náo nhiệt bước chân du khách đến thế. Theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách đến thành phố tăng đột biến trong đêm chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2023) vào tối 8/7 khiến nhiều khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đều quá tải, hết phòng vào hai ngày cuối tuần.
Và một ngày sau đêm chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, cả vệt biển dài nhiều cây số từ khu vực công viên Cá Voi, quận Sơn Trà, tới bãi tắm Sao Biển, quận Ngũ Hành Sơn ken kín du khách tắm biển.
Các điểm đến như Sun World Ba Na Hills, Công viên Châu Á, Khu du lịch Ngũ Hành Sơn… đông kín du khách nô nức xếp hàng đến vui chơi, trải nghiệm. Hàng quán “cháy” bàn, các nẻo đường phố trung tâm tấp nập du khách trong và ngoài nước…
DIFF 2023 khép lại, nhưng đã mở ra một mùa hè sôi động, tưng bừng mà đã lâu lắm rồi Đà Nẵng mới tìm lại được sau 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã đón hơn 3,5 triệu lượt du khách, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đại diện lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, chỉ riêng ngày 9/7, số lượng chuyến bay đi/đến Đà Nẵng tăng kỷ lục, đạt 161 chuyến bay/ngày, trước đó ngày cao điểm nhất cũng chỉ đạt 150 chuyến bay/ngày.
Những con số biết nói trên đã không chỉ cho thấy sức hút và vai trò quan trọng của DIFF 2023 đối với ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế địa phương nói chung mà còn giúp Đà Nẵng tái khẳng định thương hiệu “thành phố pháo hoa”, đồng thời củng cố vị thế “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”.
Làm gì để không đánh rơi thương hiệu “thành phố pháo hoa”
Thực tế, trong suốt 15 năm qua cùng với 10 lần tổ chức trước đó, DIFF luôn là tâm điểm mỗi mùa hè và trở thành động lực lớn để Đà Nẵng phát triển du lịch. Từ sự kiện chỉ vỏn vẹn 2 ngày, DIFF đã được đầu tư thành lễ hội hoành tráng kéo dài nhiều tuần và trở thành lý do quan trọng để du khách đổ về Đà Nẵng không ngừng tăng lên theo mỗi năm. Nếu như 2008 – năm đầu tiên diễn ra DIFF, Đà Nẵng đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu hơn 810 tỷ đồng, thì đến 2019, con số này đã tăng tới 8,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu gần 31.000 tỷ đồng, tăng 38 lần sau hơn 10 năm.
Và những gì diễn ra từ DIFF 2023 sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã cho thấy, DIFF thực sự là “cú hích” mạnh mẽ cho các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sau những thành công của DIFF, rất nhiều người đã nhận ra một điều rằng, hơn một thập kỷ làm lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng vẫn chưa hề có một chiến lược đầu tư phát triển bài bản và thực sự có tầm nhìn nghiêm túc cho sự kiện DIFF. Thậm chí, nếu không nhìn lại để hành động nhanh, rất có thể, thương hiệu “thành phố pháo hoa” mà Đà Nẵng dày công xây dựng bao lâu nay sẽ rơi vào tay các địa phương khác.
Thực tế, hiện nay có một số thành phố du lịch lớn như Phú Quốc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vũng Tàu đã và đang đầu tư xây dựng những quảng trường hiện đại, hoành tráng, đủ sức tổ chức các sự kiện lễ hội, show diễn quy mô lớn hay lễ hội pháo hoa. Thanh Hóa hiện mới đưa vào hoạt động Quảng trường biển Sầm Sơn rộng 2 ha, có sức chứa khoảng 10.000 người, có chiều dài 2,6 km. Còn theo quy hoạch biển Vũng Tàu, tương lai thành phố này sẽ có quảng trường rộng hơn 10.000 m2 có sức chứa 8.000-10.000 người, hứa hẹn sẽ là nơi tổ chức các sự kiện lớn của thành phố.
Phú Quốc cũng đã có kế hoạch xây dựng Quảng trường trung tâm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy mô 20.000 người, đủ sức tổ chức các sự kiện vui chơi, giải trí lớn. Bên cạnh đó, thành phố biển này hiện cũng đã có show công nghệ đa phương tiện Kiss The Stars sở hữu khán đài lên đến 5.000 chỗ ngồi và cũng đã đều đặn trình diễn pháo hoa sau show khá hoành tráng.
So với các địa phương nói trên, rõ ràng Đà Nẵng hiện vẫn còn khá “khiêm tốn”, khi chưa có bất kỳ một quảng trường, sân khấu tầm cỡ nào để tổ chức các sự kiện lớn ở quy mô quốc tế, dù DIFF đã qua 11 lần tổ chức. Mỗi kỳ pháo hoa, thành phố vẫn phải tận dụng không gian trống bên bờ sông Hàn, dựng tạm khán đài, sân khấu, khu vực vệ sinh…
Nếu Đà Nẵng có sự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất chất lượng cao, điển hình như một quảng trường hay sân khấu, khán đài pháo hoa quy mô lớn, sẽ không chỉ góp phần nâng tầm vị thế của lễ hội pháo hoa quốc tế, mà còn có thể đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của những sự kiện giải trí quy mô lớn, các đại nhạc hội tầm cỡ quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000, nhà sản xuất sự kiện DIFF 2023 nhấn mạnh, Đà Nẵng có tiềm năng để trở thành thủ phủ pháo hoa hàng đầu thế giới nếu đáp ứng 3 tiêu chí: hạ tầng, con người và cải tiến về công nghệ. "Việc xây dựng một hạ tầng đồng bộ cho lễ hội pháo hoa rất quan trọng. Nếu có thêm những nơi cho khách du lịch mua sắm, giải trí... thì du khách sẽ dành nhiều thời gian tại Đà Nẵng hơn", bà Nadia nhận định.
Sau những thành công ngoài mong đợi từ DIFF 2023, hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm có thêm những “cú hích” tiếp theo, để nâng tầm vị thế “thành phố pháo hoa” và tạo động lực cho du lịch thăng hoa hơn nữa, đúng như những gì ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chia sẻ tại đêm Chung kết: “Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2023 sẽ khép lại, nhưng ước mơ và khát vọng của thành phố sẽ vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng và lan tỏa.
Thanh Nga
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/da-nang-thay-gi-tu-su-tai-xuat-thanh-cong-ruc-ro-cua-diff-a10688.html